Cách trị 'bệnh' trẻ cứ ăn vào là nôn

15:46 | 20/12/2016;
Trào ngược dạ dày-thực quản những tưởng chỉ có ở người trưởng thành. Vậy mà thực tế, có đến 2/3 trẻ nhỏ gặp phải tình trạng này trong những tháng đầu đời, song đa số tự khỏi ở thời điểm 1 tuổi.
Dù nhiều trẻ tự khỏi khi đến 1 tuổi nhưng vẫn có trẻ mắc chứng trào ngược dạ dày-thực quản khi đã 2-3 tuổi. Người lớn nếu hiểu và chăm sóc đúng cách tại nhà sẽ giúp trẻ giảm triệu chứng trào ngược, đặc biệt phát hiện sớm những trường hợp có biến chứng, để kịp thời xử trí.
bu-me.jpg
Khi cho con bú mẹ, cần chú ý các biểu hiện bất thường để kịp xử trí
Điều dưỡng Bùi Thị Ngọc Ánh, khoa Tiêu hóa, BV Nhi TƯ, cho biết, trào ngược dạ dày-thực quản là tình trạng trào ngược thức ăn từ dạ dày lên thực quản và được chia làm 2 loại:

- Trào ngược dạ dày-thực quản sinh lý: Là hiện tượng trào ngược nhưng không gây biến chứng hoặc không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Thời gian trào ngược cho mỗi đợt ngắn dưới 3 phút.

- Bệnh trào ngược dạ dày-thực quản: Là hiện tượng trào ngược gây nên các biến chứng hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

“Bình thường khi dạ dày co bóp, cơ thắt thực quản dưới co lại, giúp đóng kín dạ dày. Trường hợp đoạn dưới thực quản giãn rộng hơn bình thường, thức ăn sẽ từ dạ dày trào ngược lên thực quản”, điều dưỡng Bùi Thị Ngọc Ánh giải thích rõ hơn.

Người lớn có thể nhận ra các triệu chứng khi trẻ bị trào ngược dạ dày–thực quản như:

- Biểu hiện ở đường tiêu hóa: Nôn trớ là biểu hiện chính, nôn ra sữa mới bú xuất hiện ngay sau sinh, nôn dễ dàng, tăng nôn trớ sau khi ăn.

- Biểu hiện ngoài đường tiêu hóa: Có thể có một hoặc nhiều biểu hiện như khò khè, viêm phổi tái phát, giãn phế quản, viêm xoang, viêm tai, mòn răng, thiếu máu, suy dinh dưỡng, chậm tăng cân, ngừng thở do sặc (hiếm gặp).

Cũng theo điều dưỡng Bùi Thị Ngọc Ánh, cách chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày–thực quản không quá khó. Cụ thể, chế độ ăn ở trẻ dưới 6 tháng tuổi là cho bé bú nhiều lần, rút ngắn khoảng cách giữa 2 lần (1-1,5 giờ), thời gian bú khoảng 10 - 15 phút. Cho trẻ bú đúng tư thế và ngậm vú đúng để hạn chế nuốt nhiều hơi vào dạ dày. Nếu trẻ dùng sữa công thức bằng bú bình thì phải kiểm tra núm vú xem kích thước tia sữa đã phù hợp chưa.

Với trẻ lớn trên 6 tháng tuổi, hạn chế ăn thức ăn giàu chất béo như mỡ động vật, phủ tạng động vật, chocolate, cà phê, đồ uống có ga… Nên chia nhỏ lượng thức ăn và cho trẻ ăn nhiều bữa hơn: 1-1,5 giờ/lần. Hạn chế cho trẻ ngậm vú giả. Tránh thức ăn quá đặc làm tăng nguy cơ táo bón và giảm khả năng hấp thu canxi trong sữa.

“Nên cho trẻ nằm ngửa, thân và đầu cao dần. Bế trẻ thẳng đứng sau ăn khoảng 20-30 phút, tránh thay đổi tư thế đột ngột. Nên để bé ngủ sau ăn ít nhất 2-3 giờ. Không quấn tã, mặc quần áo chật để tránh làm tăng áp lực ổ bụng”, điều dưỡng Bùi Thị Ngọc Ánh cho biết.

Trong trường hợp trẻ nôn trớ, cần bế hoặc cho trẻ nằm nghiêng về 1 bên. Lau rửa bằng nước ấm phần cơ thể bị dính sữa, thức ăn trớ ra. Hút rửa mũi nếu trẻ trớ lên mũi. Thay bỉm, quần áo khô thoáng để tránh trẻ bị lạnh. Cho trẻ bú hoặc ăn lại sau khoảng 30 phút. Nếu trẻ nôn quá nhiều, có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp, chậm tăng cân…, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn