Cách xử lý của một bà mẹ khi con trai bị bạo lực học đường

12:43 | 18/04/2023;
Cách xử lý bạo lực học đường của cô Tô sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều lời khen, sự đồng tình của các bậc phụ huynh.

Câu chuyện sau đây xảy ra ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nhân vật chính là một bà mẹ họ Tô. Dù gia đình sống ở Vân Nam nhưng chị Tô có công việc ở Thượng Hải nên thường phải di chuyển qua lại giữa 2 địa phương này.

Một ngày nọ, chị Tô đang họp thì bất ngờ nhận được cuộc gọi của chồng. Anh cho biết con trai họ tên Tiểu Di (tên giả) đã bị một nhóm 7 người ở lớp bắt nạt, đánh hội đồng. Ngay khi nghe tin, cô Tô đã rất sốc nhưng nhanh chóng buộc bản thân bình tĩnh lại để nghĩ ra giải pháp. 

Cô biết lo lắng một cách mù quáng là hoàn toàn vô ích. Vấn đề này phải có cách giải quyết cẩn thận, kể cả việc trình báo với nhà trường, hay liên lạc với phụ huynh của nhóm bắt nạt. Sau đó, cô Tô nảy ra một ý tưởng và lập tức đặt chuyến bay gần nhất về Vân Nam để lo chuyện của con. 

Sau khi về đến nhà, việc đầu tiên cô Tô làm là kiểm tra cơ thể con, xem đứa trẻ có bị thương tích gì không. Thấy người con không có vết bầm tím rõ ràng, người mẹ mới thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, điều này không thể khiến cô xem nhẹ vụ việc. 

Cách xử lý của một bà mẹ khi con trai bị bạo lực học đường - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cẩn thận lên kế hoạch lấy lại công bằng cho con

Cô Tô đã hỏi chi tiết con về vụ bắt nạt bằng giọng điệu nhỏ nhẹ, ôn tồn. Hóa ra, đây không phải lần đầu tiên Tiểu Di bị nhóm bạn của Tiểu An - cậu bé cùng lớp bắt nạt. Theo lời kể của Tiểu Di, Tiểu An đã thành lập một "băng nhóm" trong lớp và thường xuyên bắt nạt những bạn học khác. Bất kỳ ai không ở trong nhóm của Tiểu An, không phải "đàn em" của cậu ta đều có thể bị bắt nạt.  

Những hành động bắt nạt có thể là đánh hội đồng trong giờ thể dục, túm lấy vùng kín của những cậu bé khác khi đi vệ sinh hoặc nói lời trêu chọc, xúc phạm,... Trái tim cô Tô thắt lại khi nghe con kể. Cô biết con mình đã gặp phải bạo lực học đường thực sự và tình trạng này đã diễn ra từ rất lâu.

Cô Tô biết được hành vi của Tiểu An không còn là ngẫu nhiên nữa mà cậu bé này đã hình thành thói quen, tâm lý bắt nạt những đứa trẻ khác cho vui. Đây là sự việc rất nghiêm trọng, nếu không ngăn chặn kịp thời thì con chị và những đứa trẻ khác sẽ phải hứng chịu bạo lực học đường nặng nề hơn. 

Để bảo vệ con trai và chống bạo lực học đường, cô Tô đã yêu cầu nhà trường phải phạt những đứa trẻ bắt nạt. Nhưng làm thế nào để phản ánh và đàm phán với nhà trường về vấn đề này hiệu quả?

Trước tiên, cô Tô đã tìm gặp phụ huynh của những đứa trẻ cũng bị Tiểu An bạo hành, bắt nạt, hy vọng họ sẽ cùng đấu tranh, ký vào bức thư kiến nghị và báo cáo với nhà trường, yêu cầu giải quyết vụ việc bạo lực học đường. 

Tuy nhiên, một số phụ huynh ngại trở thành đồng minh của cô Tô vì cho rằng mọi thứ chưa quá nghiêm trọng và e ngại "đắc tội" với nhà trường. Dưới sự vận động của cô Tô, mãi mới có 2 phụ huynh ký đơn. Con số này không bõ bèn gì. Hiểu được sự lo lắng của phụ huynh và để dính líu đến ít người nhất có thể, cô Tô quyết định tự mình nói chuyện với nhà trường trước.

Người mẹ này đã giao bằng chứng Tiểu Di bị Tiểu An bắt nạt cho nhà trường, đồng thời làm rõ thái độ của mình với vụ việc: Dù Tiểu An không thể bị đuổi học do một số điều luật liên quan thì cậu bé cũng phải nhận hình phạt nghiêm khắc. 

Để cuộc nói chuyện diễn ra suôn sẻ, cô Tô đã nghiên cứu rất kỹ các quy định, điều luật chống bạo lực học đường, bảo vệ trẻ vị thành niên,... và trích dẫn từng điều luật với nhà trường. Trong quá trình trao đổi, cô Tô không làm quá căng, mà chơi cả chiêu bài tình cảm. 

Cô Tô biết rằng một khi trong trường xảy ra một sự việc nghiêm trọng như bạo lực học đường thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, đánh giá thi đua của nhà trường. Từ đó, bà mẹ này khôn khéo kiến nghị, nếu nhà trường giải quyết được vụ việc này thì phía gia đình và nhà trường sẽ phối hợp, thực hiện công khai chiến dịch phòng chống bạo lực học đường, qua đó khiến hình ảnh nhà trường đẹp hơn. 

Trong ván bài tình cảm này, cô Tô biết rằng dù sao thì nhà trường cũng rất yêu thương học sinh nhưng nhiều khi có những điều liên quan khiến họ phải cân nhắc. Vì vậy một mặt, cô Tô mong nhà trường xem xét, giúp đỡ Tiểu Di và những học sinh bị bắt nạt có môi trường học tập, trưởng thành tích cực và lành mạnh. Một mặt, cô Tô biết khó để đuổi học Tiểu An nên cô sẵn sàng lùi một bước, miễn là Tiểu An phải bị phạt và xin lỗi Tiểu Di công khai.

Sau 3 lần trao đổi với nhà trường, cuối cùng những yêu cầu của cô Tô đã được phía trường học đồng ý. Tiểu An bị kỷ luật, phải viết giấy cam đoan và bản tự kiểm điểm bản thân, đồng thời xin lỗi Tiểu Di và những bạn từng bị bắt nạt công khai. Những đứa trẻ cùng nhóm với Tiểu An cũng bị phê bình công khai. 

Cách xử lý bạo lực học đường của cô Tô sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều lời khen, sự đồng tình của các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, một số người cũng bình luận: Trẻ vị thành niên đang trong giai đoạn hình thành nhân cách quan trọng. Đối với những hành vi sai trái của các em, chúng ta cần nhanh chóng có cách giáo dục đúng đắn, đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp, cần thiết để các em sớm nhận ra lỗi lầm và quay trở lại con đường đúng đắn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn