Cách xử lý khi trẻ nhỏ bị ngạt mũi

16:25 | 05/04/2016;
Khi trẻ bị nghẹt mũi, khó thở ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp và giấc ngủ, bố mẹ không nên lạm dụng thuốc để chữa trị mà hãy thử những cách đơn giản trước.
tre-ngat-mui.jpg
  1. Ngoáy mũi

Đối với trường hợp bé khó thở do gỉ mũi làm tắc nghẽn hô hấp, bạn chỉ cần lấy tăm bông ngoáy sạch mũi cho bé là được. Nếu như mũi bé khô, gỉ mũi cũng khó lấy ra thì bạn bôi một ít thuốc mỡ, thuốc mắt hoặc nhúng nước làm ẩm đầu tăm bông, sau đó đưa vào bên trong mũi bé. Chờ gỉ mũi và vùng da trong mũi của bé mềm rồi nhẹ nhàng kéo gỉ mũi ra ngoài, như vậy sẽ không làm tổn thương mũi của bé.

  1. Dùng khăn ấm

Khăn ấm có thể làm giảm sưng niêm mạc mũi, khiến khoang mũi dễ dàng lưu thông, các chất dịch đặc bên trong cũng dễ đưa ra ngoài. Bố mẹ hãy dùng một chiếc khăn bông mềm có độ ấm vừa phải xoa xung quanh mũi bé, khi xoa nhớ nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương vùng mũi.

  1. Day huyệt mũi

Dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái xoa đều từ trên xuống dưới hai bên mũi trong vòng 3 phút, sau đó day huyệt nghinh hương (ở hai bên cánh mũi) trong khoảng 1 phút, đến khi khoang mũi có cảm giác nóng lên thì hít thở sẽ dễ dàng hơn. 2 đến 3 tiếng làm một lần có thể loại bỏ chứng nghẹt mũi.

tre-ngat-mui-3.jpg
  1. Sửa tư thế

Trẻ sơ sinh khi bị ngạt mũi sẽ không ngừng kêu khóc, bạn ôm bé thẳng đứng có thể giảm bớt nghẹt mũi, khó thở. Khi bé ngủ có thể nâng gối cao khoảng 30 độ để hô hấp được dễ hơn. Hoặc khi biết bé bị ngạt mũi bên nào bạn hãy để bé nằm nghiêng người sang bên đối diện, như ngạt mũi bên trái thì nằm nghiêng sang phải và ngược lại.

  1. Chú ý độ ẩm và nhiệt độ

Phòng nên được duy trì ở nhiệt độ khoảng 24-26 độ C, độ ẩm khoảng 60-70%.

  1. Dùng dung dịch vệ sinh mũi
Bố mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước biển sinh lý để vệ sinh mũi cho bé, giúp giảm sưng niêm mạc mũi. Tuy nhiên thời gian sử dụng sản phẩm này chỉ nên nhiều nhất là 5 ngày.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn