Cách xử lý khi trẻ nói quá nhiều

00:00 | 31/03/2016;
Bố mẹ nhiều khi cảm thấy đau đầu với những câu hỏi của con, tuy nhiên không khó để ứng phó với việc này.
tre-noi-nhieu-1.jpg

Khi bé không ngừng lặp lại câu hỏi

Có những lúc câu hỏi của bé thể hiện nhu cầu của mình, chẳng hạn như “Con ăn thêm một cái bánh được không?”, nếu nhận được câu trả lời là “không” bé sẽ lặp đi lặp lại câu hỏi đó, cốt là để được bố mẹ đồng ý. Lúc này bạn đừng tức giận, cũng không cần nói lại câu trả lời mà bé đã biết, như vậy cũng không ích gì. Hãy trực tiếp nói cho bé hiểu rằng không phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần như vậy bố mẹ sẽ đồng ý, lần sau bé biết việc này không có hiệu quả thì sẽ không hỏi nhiều nữa.

Bé hỏi nhiều câu hỏi bạn không thể trả lời

Những câu hỏi như “tại sao máy bay có thể bay trên trời”, “tại sao em bé ở trong bụng mẹ mà không phải trong bụng bố”... đều cần câu trả lời mang tính khoa học, những câu hỏi như vậy thể hiện bé ham học hỏi, muốn được hiểu biết nhiều hơn. Nếu lúc này bố mẹ chưa thể cho con câu trả lời có thể đưa ra lý do bận việc, hẹn con khi khác sẽ trả lời, rồi lên mạng tìm hiểu luôn đáp án để đến khi con hỏi lại có thể tự tin nói cho bé biết.

tre-noi-nhieu-2.jpg

Trẻ nhỏ nói nhiều, hỏi nhiều không phải là điều đáng lo ngại, tuy nhiên nói không đúng lúc đúng chỗ sẽ khiến cho bố mẹ phải phiền não. Nếu như bé không được chỉ dẫn nên nói thế nào thì khi tiếp xúc với tập thể sẽ dễ gây khó chịu cho người khác. Bố mẹ không nên để con nói năng tùy ý mình mà cần dạy bé một số điều sau:

  • Lời nói ngắn gọn, dễ hiểu

Khi bé diễn giải lòng vòng, lặp lại nhiều lần, biểu đạt không rõ ý bố mẹ cần tìm cách điều chỉnh. Hãy giúp bé tìm ra điểm trọng tâm trong lời muốn nói, cùng bé luyện lại cách nói; đọc truyện và cùng bé kể lại tóm tắt câu chuyện... những việc này sẽ giúp bé diễn đạt ngắn gọn tốt hơn.

  • Sửa tật nói leo

Trẻ nhỏ có dấu hiệu ngắt lời người lớn nói chen ngang, bố mẹ phải kịp thời giúp bé chỉnh sửa. Hãy dạy bé cần tôn trọng người khác khi đang nói chuyện. Để làm được điều này bố mẹ cũng cần để ý không nên ngắt lời khi bé đang nói chuyện, tránh cho bé bắt chước thói quen không tốt.

  • Nhận biết cảm nhận của người khác
Bố mẹ dạy cho bé biết khi người khác tỏ ra không vui tức là không hài lòng những gì bé nói. Khi biết được cảm nhận của người khác bé sẽ có ý thức tự điều chỉnh mình, không nói năng tùy tiện.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn