Thai ngoài tử cung là trường hợp thai không nằm trong buồng tử cung mà nằm ở vị trí khác như vòi trứng, cổ tử cung, ổ bụng, buồng trứng. Thai ngoài tử cung được phát hiện chủ yếu nằm ở vòi trứng.
Chửa ngoài dạ con không thể giữ lại được và cần phải phát hiện sớm để xử lý bảo vệ sức khỏe của thai phụ.
Khối thai phát triển bên ngoài tử cung. (Ảnh minh họa)
Khi mang thai người mẹ nào cũng sẽ thấy ngực căng, chậm kinh hoặc đau bụng giống với dấu hiệu của thai kỳ bình thường. Nhưng nếu kèm theo các dấu hiệu sau đây mẹ có thể đã mang thai ngoài tử cung:
- Ra máu âm đạo bất thường, rong huyết, máu chảy ra thường có màu đen, không đông lại, số lượng ít.
- Đau bụng: Khi chửa ngoài tử cung thường đau vùng bụng dưới, đau một bên, âm ỉ và thỉnh thoảng đau nhói.
Thai ngoài tử cung cũng có dấu hiệu đau bụng dưới. (Ảnh minh họa)
- Khối thai ngoài tử cung phát triển triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn, nếu khối thai bị vỡ người bệnh sẽ bị đột ngột đau bụng dữ dội, chóng mặt và có thể ngất xỉu.
Thai ngoài buồng tử cung không thể giữ lại được vì vậy khi có những dấu hiệu bất thường mẹ cần đi khám và được chẩn đoán kịp thời có những biện pháp xử lý phù hợp.
Điều trị thai ngoài tử cung là loại bỏ khối thai ra bên ngoài và cách xử lý sẽ tùy thuộc vào tình trạng thai đã vỡ hay chưa.
Nếu thai chưa vỡ, kích thước nhỏ khoảng 3cm và tim thai chưa hoạt động các bác sĩ sẽ sử dụng bỏ thai bằng thuốc Methotrexate - thuốc chuyên điều trị thai ngoài tử cung. Thuốc ngăn chặn các tế bào phát triển, kết thúc thai kỳ mà ống dẫn chứng được bảo tồn.
Mẹ có thể được tiêm một hay nhiều lần vào trực tiếp bắp tay hay trực tiếp khối thai.
Sau khi tiêm thuốc, các bác sĩ sẽ theo dõi từ 3 - 4 tuần để kiểm tra xem thai đã được loại bỏ hoàn toàn chưa, nếu chưa sẽ phải sử dụng biện pháp phẫu thuật để lấy thai ra.
Khi điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc hiệu quả người mẹ sẽ có các biểu hiện như chuột rút, xuất huyết, vỡ màng tế bào… đó đều là các biểu hiện sảy thai.
Thai chưa vỡ và còn nhỏ có thể xử lý bằng thuốc. (Ảnh minh họa)
Trong trường hợp thai đã vỡ các bác sĩ bắt buộc phải sử dụng biện pháp phẫu thuật, có 2 biện pháp phẫu thuật được áp dụng trong điều kiện khối thai vỡ khác nhau.
- Mổ nội soi: Áp dụng cho trường hợp thai đã vỡ chưa có dấu hiệu choáng, huyết tụ thành nang có kích thước <8cm. Chỉ định mổ nội soi hiện đang được áp dụng nhiều với ưu điểm ít gây dính bụng và không để lại sẹo.
- Mổ mở bụng: Áp dụng cho các trường hợp khối huyết tụ lớn hơn 8cm, khối thai đã vỡ máu tràn vào ổ bụng bắt buộc phải mổ mở bụng để vệ sinh ổ bụng, tránh mất máu quá nhiều.
Tùy vào mức độ và biện pháp xử lý để biết được thời gian điều trị diễn ra trong bao lâu.
- Nếu xử lý thai bằng thuốc thì thời gian điều trị, theo dõi có thể từ 2 - 6 tuần.
- Phẫu thuật nội soi thường thời gian ngắn hơn, người bệnh có thể ra về sau khi mổ 48 tiếng và nghỉ ngơi tại nhà.
- Nếu phẫu thuật mở bụng thời gian nằm lâu hơn, kéo dài hơn và cần được theo dõi trực tiếp đề phòng xuất huyết, biến chứng...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn