Kinh doanh nhượng quyền từ lâu đã không còn là câu chuyện mới. Ngày nay, mọi người thường chọn tham gia mua nhượng quyền của doanh nghiệp đã có thương hiệu khi bắt đầu kinh doanh. Lý do đơn giản là vì những cửa hàng này có đầy đủ quy trình kinh doanh và với lợi thế về thương hiệu, việc kinh doanh cũng dễ dàng hơn, nhất là với những ai chưa có nhiều kinh nghiệm.
Những năm gần đây, hình thức nhượng quyền quán trà sữa ngày càng phổ biến ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Có vẻ như trong suy nghĩ của nhiều người, mở quán trà sữa là lựa chọn tốt nhất để khởi nghiệp. Nhưng ít ai biết việc tham gia mở quán trà sữa nhượng quyền cũng có rất nhiều “cạm bẫy” trong đó.
Cô Lưu đến từ Trung Quốc từng là nhân viên văn phòng trong một công ty chứng khoán. Khi đó cô đang ở vị trí nhân sự, sau này do áp lực công việc cao cộng với những quy tắc bất thành văn ở nơi làm việc khiến Lưu chán nản đến mức bỏ việc. Sau đó, cô quyết tâm từ bỏ cuộc sống văn phòng và mở một quán trà sữa. Sở dĩ cô chọn kinh doanh quán trà sữa là vì một người bạn của cô cũng mở loại hình này, một năm lãi hơn 200 nghìn NDT (khoảng 700 triệu đồng). Vốn để mua nhượng quyền một cửa hàng nhỏ cũng không phải quá cao, Lưu có thể dùng tiền dành dụm sau nhiều năm đi làm của mình mà không cần vay mượn.
Trước khi cô Lưu tham gia vào thị trường rất hot này, bạn bè đã từng can ngăn cô. Có người cho biết đây là kiểu kinh doanh đã bão hòa, nhiều cạnh tranh. Lưu đã không nghe lời khuyên của bạn mình mà kiên quyết đầu tư 570.000 nhân dân tệ (gần 2 tỷ đồng). Tuy nhiên điều cô không ngờ tới là sau 3 tháng hoạt động, cô đã chao đảo và sau nửa năm thì phá sản dẹp tiệm, mất trắng tiền dành dụm bao năm. Sau khi đã “vỡ mộng”, Lưu mới rút ra được cho mình những vấn đề nhức nhối mà người kinh doanh trà sữa hay quán nước, nhà hàng nhượng quyền nói chung hay gặp phải.
Trên thị trường hiện có rất nhiều thương hiệu trà sữa nhượng quyền. Nhưng đối với một người bình thường, họ không biết làm thế nào để đưa ra lựa chọn tốt nhất. Phương pháp đơn giản nhất là xem những người đã mua nhượng quyền trước đó. Các cửa hàng kiếm được lợi nhuận bao nhiêu sau khi gia nhập? Tỷ lệ kiếm được lãi trên doanh thu là bao nhiêu và đã trụ vững trên thị trường được mấy năm?
Ví dụ, nếu bạn thấy một công ty có 27 cửa hàng nhượng quyền, sau khi kiểm tra toàn diện, 24 cửa hàng trong số này đã hoạt động được 1 năm và có lãi, lợi nhuận tương đối cao thì lúc này có thể cân nhắc việc nhượng quyền. Đừng quá tin tưởng vào lời quảng cáo của người mời chào mà hãy đi thực tế, hỏi trực tiếp người đi trước nếu có thể.
Chi phí mở quán trà sữa là bao nhiêu? Đây thường là câu hỏi đầu tiên mà chúng ta đặt ra khi bắt đầu ý định kinh doanh. Mỗi một thương hiệu sẽ có mức giá riêng. Thế nhưng bạn cần lưu ý đây chỉ là phí chuyển nhượng. Chúng ta sẽ còn phải lo rất nhiều chi phí khác nhau tiền thuê mặt bằng, trang trí, thiết bị, nguyên vật liệu, phí quản lý và phí tư vấn... Ngoài ra bạn cũng cần tiền ban đầu để xoay vòng vốn. Nếu nghĩ mở quán nước nhượng quyền chỉ cần đầu tư một số tiền nhỏ là có thể bắt đầu kinh doanh thì thực tế là chưa chắc.
Trước khi mở quán trà sữa, nhiều người dường như cảm thấy công việc này không quá đơn giản. Nhiều công ty sẽ cố tình tạo ra một hình ảnh rất chuyên nghiệp, thường chỉ ra nhiều vấn đề để thuyết phục chúng ta rằng mua nhượng quyền sẽ giảm thiểu rủi ro kinh doanh tối đa.
Nhưng những ai đã thực sự kinh doanh mới biết mở quán trà sữa không cần nhiều kỹ thuật, công thức pha chế hầu hết đều không “thần bí” đến vậy. Kinh doanh chuỗi nhượng quyền, người bán còn bị bó buộc nhiều vấn đề và không quyết định được giá cả của sản phẩm. Ví dụ, dù bạn mở quán ở khu trung tâm đông đúc, giá thuê nhà cao nhưng vẫn phải bán trà sữa bằng mọi cơ sở khác nên lãi nhận về sẽ thấp hơn đáng kể. Bù lại, kinh doanh nhượng quyền có ưu điểm lớn là thương hiệu. Việc tự mình xây dựng thương hiệu mới từ số 0 tất nhiên không đơn giản nên nhiều người vẫn chịu bỏ rất nhiều tiền chỉ để mua lại thương hiệu có sẵn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn