Bệnh nhân NTKN không thể tự phát hiện bệnh
Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các bác sĩ từng tiếp nhận không ít bệnh nhân bị tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim đến cấp cứu, có tiền sử mắc chứng NTKN. Hầu hết bệnh nhân này không được phát hiện và điều trị kịp thời nên bị biến chứng nặng.
Theo PGS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, hội chứng NTKN là một bệnh lý thường gặp, đây là rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở hoàn toàn khoảng 10-30 giây trong khi ngủ và nhiều hơn 30 lần/đêm, dẫn tới tình trạng thiếu oxy máu. Khi lượng oxy trong máu giảm đột ngột sẽ gây tăng huyết áp và tạo gánh nặng cho hệ tim mạch. Lâu dần có nguy cơ xuất hiện biến chứng đột quị (tai biến mạch máu não) và nhồi máu cơ tim. Tuy gây nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng người bệnh lại khó tự phát hiện vì dấu hiệu ngừng thở chỉ xảy ra khi ngủ.
Người mắc bệnh NTKN có thể gặp nguy hiểm tính mạng một cách lặng lẽ
NTKN còn làm cho bệnh nhân không thể ngủ ngon như bình thường nên ban ngày sẽ buồn ngủ, mệt mỏi và dễ bị kích thích; dễ bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động, giảm trí nhớ, mất tập trung...
Người béo phì dễ bị ngừng thở khi ngủ
Cũng theo TS Ngô Quý Châu, hội chứng NTKN gồm 3 loại: NTKN tắc nghẽn; NTKN trung tâm và ngừng thở hỗn hợp (kết hợp 2 loại trên). Trong 3 thể bệnh trên thì NTKN tắc nghẽn có tỉ lệ mắc cao nhất, chiếm 84% trên tổng số người mắc hội chứng này.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh này gồm: Ngủ ngáy kèm theo ngừng thở, ngạt thở; buồn ngủ nhiều vào ban ngày; thức giấc, đi tiểu nhiều lần trong đêm; đau đầu buổi sáng; giảm trí nhớ, tập trung; thừa cân, béo phì, nhất là béo quanh cổ vì thường làm hẹp đường hô hấp ở họng. Người bị béo phì có nguy cơ bị NTKN gấp 3 lần người bình thường. Ngoài ra, người có bất thường vùng hàm mặt và tăng huyết áp kháng trị cũng dễ bị NTKN.
Một người béo phì có nguy cơ NTKN gấp 3 lần người bình thường
Bên cạnh đó, người bị viêm amiđan gây sưng to; người cổ họng hẹp tự nhiên do di truyền... cũng dễ mắc chứng bệnh này. Do đó, nếu rơi vào một trong các biểu hiện trên, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Trị và hạn chế nguy cơ mắc bệnh
Khi thăm khám, nếu nghi ngờ mắc NTKN, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân đo đa ký giấc ngủ hay đo đa ký hô hấp để đánh giá mức độ của bệnh và có kế hoạch điều trị cụ thể. Hiện có nhiều phương pháp điều trị hội chứng NTKN. Nếu ở mức độ nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật như cắt bỏ một phần khẩu cái mềm, lưỡi gà và cắt amiđan, nhằm giúp đường thở mở rộng hạn chế tình trạng tắc nghẽn trong khi ngủ
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, cần giảm cân và duy trì cân nặng lý tưởng, tránh béo phì; nên tập thói quen ngủ đủ thời gian và đúng giờ (khoảng 7 giờ/ngày); không uống rượu, uống thuốc an thần vì gây ức chế hô hấp, làm giảm phản xạ cơ vòm họng. Khi bị NTKN, bên cạnh các biện pháp trên, người bệnh cần nằm nghiêng lúc ngủ; dùng thuốc nhỏ mũi để làm giảm chứng nghẹt mũi, giảm hiện tượng tắc nghẽn mũi khi ngủ.