'Cái loa' ban đại diện cha mẹ học sinh

13:36 | 10/09/2015;
Ban đại diện cha mẹ học sinh lẽ ra phải đại diện cho quyền lợi của học sinh, nhưng ở nhiều nơi đây lại là “cái loa” của nhà trường.

Vì muốn con yên ổn học tập, nhiều phụ huynh đã không dám lên tiếng về các khoản thu vô lý. Ảnh minh họa: Bích Ngọc.


Chưa bầu đã có
Chị Trần Khánh Vân kể, năm ngoái, con chị chân ướt chân ráo vào lớp 1 trường Tiểu học Q.T (Hà Nội). Buổi họp đầu năm, PHHS mới lần đầu tiên gặp nhau. Vậy mà không biết từ lúc nào, lớp đã “mọc” sẵn một Ban đại diện cha mẹ học sinh (ĐDCMHS). Một vị tự nhận là trưởng ban xăng xái đi lại, trò chuyện với giáo viên rất thân tình. Hóa ra, anh ta là người quen của cô giáo từ trước nên được cô tín nhiệm cử giữ “chức vụ” quan trọng này. “ĐDCMHS lẽ ra phải do phụ huynh tự bầu thì nay thường do cô giáo chỉ định trên cơ sở người thân quen, hay là ai đó có thế lực, quyền chức. Như vậy, thử hỏi làm sao ban đại diện có thể nghĩ cho cha mẹ học sinh được?”, chị Vân thắc mắc.
Một phụ huynh ở TPHCM bất bình: Trong buổi họp phụ huynh, trưởng Ban ĐDCMHS đứng lên thông báo trường sắp đón chuẩn quốc gia nên vận động mọi người đóng 500.000 đồng để trường xây... sân khấu cho hoành tráng. Sau đó, vị này xung phong nộp đầu tiên. Bị đặt vào thế đã rồi, các phụ huynh khác đành miễn cưỡng làm theo. Đến phần thu quỹ lớp, trước mặt cô giáo, anh lại đề xuất cứ nộp nhiều tiền một chút để lớp chi cho thoải mái. Anh ta làm vậy để lấy lòng cô giáo mà quên rằng đang đẩy các phụ huynh nghèo khó khác vào thế “dở khóc dở cười”.
Theo điều lệ Ban ĐDCMHS của Bộ GD&ĐT, Ban ĐDCMHS không được phép quyên góp các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường...
Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều khoản mà Ban ĐDCMHS thu không dựa trên sự đồng thuận của phụ huynh và nằm ngoài phạm vi được phép. Chị Phạm Thị Hoa (Q. Thanh Xuân, Hà Nội), kể: “Có những việc Ban ĐDCMHS còn chủ động vẽ ra để... nịnh trường. Một năm học, chúng tôi nộp quỹ tới 500.000 đồng nhưng chi cho các cháu chỉ được vài quyển vở, còn lại ban đại diện dùng quỹ để mua quà tặng trường, tặng cô... Tiền thì tất cả cùng đóng nhưng lợi thì chỉ mấy người trong ban đại diện hưởng”.
Khó xử lý
Ông Phạm Thanh Nam, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, Sở luôn nhắc nhở các trường phải thực hiện đúng các quy định về thu, chi. Tuy nhiên, có Ban ĐDCMHS khi triển khai thu chi tại các lớp chưa thấu tình đạt lý, khiến phụ huynh phản ứng hoặc không hiểu rõ ngọn ngành.
Anh Trần Mạnh Hải, từng tham gia Ban ĐDCMHS của trường mầm non T.H (Q.Ba Đình, Hà Nội), kể: “Có một luật bất thành văn là, Ban ĐDCMHS hầu như luôn đứng về phía nhà trường. Khi trường có nhu cầu phải huy động tiền của phụ huynh thì ban đại diện sẽ đứng ra lãnh trách nhiệm thông báo - coi như trường không biết gì”. Cũng với quy cách như vậy nên khi các khoản thu chi bị phản ứng thì trường ngay lập tức... đưa ban đại diện ra làm bình phong. Như tại trường tiểu học Trần Văn Mười (huyện Hóc Môn, TPHCM), khi nhiều phụ huynh phản ứng vì Ban ĐDCMHS vận động nộp 140.000 đồng để... đổ bê tông làm lại sân trường thì nhà trường giải thích đó là sáng kiến của ban đại diện.
Theo Bộ GD&ĐT, Ban ĐDCMHS có trách nhiệm phối hợp với giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục HS; tham gia giáo dục đạo đức cho HS; bồi dưỡng, khuyến khích HS giỏi, giúp đỡ HS yếu kém, nghèo, khuyết tật... Song, rất hiếm thấy ban đại diện đứng ra thảo luận với lớp về những vấn đề mang tính giáo dục mà chủ yếu là hô hào đóng tiền. Vì thế, số đông phụ huynh nhìn Ban ĐDCMHS không phải như đồng minh mà... như người khác chiến tuyến.
Dù đã có nhiều quy định nhưng thực tế, rất khó “xử phạt” những Ban ĐDCMHS làm sai quy định vì ranh giới khó xác định. Trừ khi ban đại diện làm quá hoặc phụ huynh “kiện cáo” um xùm thì ban đại diện mới bị “sờ gáy”.
Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội: Cần làm chặt quy trình thu tiền tự nguyện, không được thu phí quá cao và phân bổ theo đầu HS, phải trải qua 4 bước, gồm: thứ nhất, xác định rõ mục đích và đối tượng được hưởng; thứ 2, xây dựng kế hoạch và công khai phương thức thu chi; thứ 3, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên phê duyệt khoản thu; cuối cùng triển khai tổ chức thực hiện. Trường phải dán công khai trên bảng tin mục đích thu tiền tự nguyện để chi dùng vào việc gì, đối tượng thụ hưởng, dự toán thu chi... để phụ huynh nắm được.
Từng tham gia ban ĐDCMHS trường tiểu học Ban Mai, Hà Nội, chị Đỗ Thanh Tâm chia sẻ: “Nhiều khi chính phụ huynh cũng đang “tiếp tay” cho tình trạng lạm thu. Chẳng hạn, dù biết rằng trường thu khoản này, khoản kia là sai, không minh bạch nhưng vẫn nộp mà không dám phản ứng. Ban ĐDCMHS phải đứng trên lập trường của HS trước tiên. Tôi từng tham gia Ban ĐDCMHS và thấy rằng, nếu ban đại diện hoạt động theo nguyên tắc này thì sẽ được phụ huynh ủng hộ”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn