Canxi là một khoáng chất quan trọng trong cơ thể, cần thiết cho xương, răng cũng như tham gia vào các hoạt động co dãn cơ, đông cầm máu, dẫn truyền thần kinh và giải phóng các hormone. Canxi trong máu gồm có 2 thành phần là canxi ion (canxi có hoạt tính) và canxi toàn phần (canxi gắn vào protein). Hạ canxi máu là khi canxi máu toàn phần < 8,8 mg/dl (< 2,3 mmol/l) trong điều kiện protein máu bình thường hoặc canxi ion máu < 4,7 mg/dl (< 1,17 mmol/l), có nhiều nguyên nhân gây hạ canxi máu, một trong những trường hợp đặc biệt gây hạ canxi máu tương đối là sau những stress tâm lý mạnh.
Một trường hợp lâm sàng như sau, bệnh nhân nữ 34 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, sau một cuộc tranh cãi với người thân, vào viện trong tình trạng kích thích, hoảng hốt, thở nhanh nông, tím nhẹ môi, tê đầu lưỡi và co quắp tay chân.
Người bệnh nhanh chóng được các bác sĩ xử trí nằm nghỉ ngơi, thở oxy, an thần, xét nghiệm khí máu thấy canxi máu toàn phần 2,1 mmol/l. Bệnh nhân được tiêm truyền các chế phẩm canxi, sau khoảng 15 phút, các triệu chứng giảm dần và người bệnh dần hồi phục.
Tình trạng trên là một trường hợp đặc biệt gây nên sự thiếu hụt tương đối canxi ion. Đây là biểu hiện của một cơn Tetany (cơn hạ canxi máu). Ở những phụ nữ trẻ, sau stress tâm lý (cuộc tranh cãi, kích động, cơn khóc dài…) dẫn đến việc kích thích, thở nhanh, nông gây ra tình trạng kiềm hóa máu (PH máu > 7,45).
Khi máu bị kiềm hóa, một lượng lớn canxi ion sẽ gắn vào protein và tạo thành canxi không hoạt tính, dẫn đến sự thiếu hụt và gây ra cơn Tetany biểu hiện tê bì môi, lưỡi, đột ngột co thắt cơ và co quắp tay chân. Khi cơn Tetany xảy ra, bệnh nhân càng hốt hoảng, sợ hãi, kích thích, thở nhanh khiến cho canxi ion càng thiếu hụt và tạo thành một vòng xoáy bệnh lý nguy hiểm. Trường hợp nặng, các cơ trơn co thắt mạnh gây đau bụng, nôn mửa, co thắt thanh quản có thể gây suy hô hấp, loạn nhịp tim thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác gây thiếu hụt canxi máu như: Suy tuyến cận giáp, đặc biệt ở người sau phẫu thuật tuyến giáp; thiếu hụt vitamin D, người bị bệnh thận đi kèm, người có nhu cầu canxi máu cao mà không được đáp ứng đủ (phụ nữa có thai, cho con bú hoặc trẻ em).
Người xung quanh cần bình tĩnh, nhanh chóng đỡ người bệnh nằm xuống chỗ thoáng mát nghỉ ngơi, trấn an tinh thần người bệnh. Nhanh chóng kiểm tra và lấy canxi dạng viên sủi có sẵn, đợi thuốc hòa tan rồi gọi bệnh nhân dậy cho uống. Nếu người bênh tỉnh táo, hợp tác, cho uống từ từ từng ngụm nhỏ. Nếu bệnh nhân cứng hàm, khó nuốt, phải nâng đầu cao, đánh thức bằng cách vỗ vào má và đút từng thìa nhỏ, tránh để sặc. Sau đó nhanh chóng gọi hỗ trợ và đưa người bệnh lên viện càng sớm càng tốt.
Để chẩn đoán hạ canxi máu: Dựa vào xét nghiệm canxi ion và canxi toàn phần trong máu.
Để dự phòng hạ canxi máu cần bổ sung một chế độ ăn giàu canxi gồm:
• Tăng cường các thực phẩm giàu canxi : sữa và các chế phẩm sữa, cua đồng, tôm tép, cá nhỏ nguyên xương…
• Hạn chế ăn muối, cafe, rượu… vì gây kìm hãm hấp thu canxi
• Bổ sung vitamin D bằng cách dành 15-20 phút tắm nắng vào buổi sáng vì viatmin D cần thiết cho hấp thu canxi vào dạ dày và cho các hoạt động chức năng của canxi trong cơ thể.
• Chỉ dùng thêm thuốc bổ sung canxi theo hướng dẫn của bác sĩ cho các đối tượng nguy cơ thiếu hụt co như phụ nữa có thai và cho con bú, trẻ em, người sau phẫu thuật tuyến giáp…
• Luôn giữ một tinh thần, thái độ sống vui vẻ, lạc quan, tránh các stress kéo dài
• Những người thường xuyên bị hạ canxi máu, cần mang theo viên canxi máu dạng sủi sẵn trong người để đề phòng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn