Khi áp dụng kỹ thuật mới này vào thực hành lâm sàng, có nhiều khó khăn đặt ra. Trong đó, có việc lựa chọn được các hoạt động huấn luyện thích hợp, đảm bảo cường độ cao và cố định tay khỏe hiệu quả, thân thiện với trẻ bằng các vật liệu sẵn có.
Nắm vững các nguyên tắc thực hành, kỹ thuật viên (KTV) Nguyễn Thị Đang, Trưởng phòng hoạt động trị liệu của khoa Nhi và các đồng nghiệp đã thực hiện sáng kiến "Cải tiến kỹ thuật P-CIMT cho trẻ bại não liệt nửa người", đưa kỹ thuật mới này đến với các bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện.
Có thể kể đến trường hợp bé Phúc An (Hà Nội) bị xuất huyết não từ lúc 1 tháng tuổi và được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương ổn định. Tuy nhiên, di chứng do xuất huyết não làm bé bị yếu nửa người bên phải.
Khi 13 tháng tuổi, Phúc An được gia đình đưa đến khám và điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội. Thời gian bé đến điều trị cũng là lúc KTV Nguyễn Thị Đang cập nhật kỹ thuật điều trị P-CIMT tại viện.
Sau một thời gian, bé Phúc An có tiến bộ rõ rệt, từ việc bàn tay phải của bé nắm chặt, không sử dụng cầm nắm đồ vật, bé dần có thể phối hợp 2 tay để thực hiện những hoạt động cần thiết.
Hiện giờ Phúc An đã 6 tuổi. Bé theo học đúng tuổi của mình, có thể đi xe đạp, bơi lội, tự thực hiện các chức năng sinh hoạt của mình như đánh răng, tự ăn uống, đi vệ sinh, mặc quần áo…
KTV Nguyễn Thị Đang cho biết: "Đến nay, chúng tôi đã tiến hành can thiệp cho nhiều trẻ bại não liệt nửa người, trẻ nhỏ nhất là 9 tháng tuổi. Chúng tôi đã đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của trẻ và gia đình; đồng thời xây dựng quy trình 5 bước để áp dụng hiệu quả kỹ thuật P-CIMT cho trẻ bại não liệt nửa người".
Theo chị Đang, hơn 60% bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội là trẻ bại não. Hầu hết các bệnh nhi này được điều trị ở nhiều lĩnh vực như: vận động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu.
Trước đây, hoạt động trị liệu cho trẻ bại não liệt nửa người chủ yếu là huấn luyện kỹ năng vận động tinh, các trò chơi hoặc hoạt động hằng ngày bằng cách điều trị truyền thống. Sau 6 năm triển khai phương pháp mới, các trẻ bại não có tiến bộ rõ rệt.
"Nhìn thấy trẻ tiến bộ mỗi ngày, các cháu có cơ hội được hòa nhập vào các hoạt động trong gia đình, ngoài xã hội khiến tôi cảm thấy vui và phấn khởi, gắn bó với công việc của mình hơn", chị Đang chia sẻ.
Hiện nay, trên thế giới, kỹ thuật tập bắt buộc bên liệt (P-CIMT) đặt trong cách tiếp cận điều trị lấy bệnh nhi và gia đình làm trung tâm đã được chứng minh tính hiệu quả và được khuyến nghị sử dụng cho trẻ bại não liệt nửa người. Kỹ thuật này đã được Bộ Y tế đưa vào "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho trẻ bại não" năm 2018.
Bại não là tình trạng khuyết về vận động thường gặp nhất ở trẻ em, trong đó bại não liệt nửa người chiếm 30% - 40% tổng số trường hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn