Hàng tỷ đồng đã được trao trả cho du khách, trong thời gian nhanh nhất có thể. Những câu chuyện tưởng như chỉ có trong cổ tích vẫn đang được viết nên mỗi ngày, ở các khu du lịch mang thương hiệu Sun World của Tập đoàn Sun Group.
Khi tủ đồ biết kể chuyện
Ngày 7/11/2015, lúc 15h tại Khu du lịch Bà Nà Hills, nhân viên Nguyễn Thị Lý thuộc Vận hành – FEC nhặt được một ví màu đen tại khu vực Video Games (Tầng B1). Bên trong ví gồm nhiều tài sản giá trị: 38 tờ 100 tệ, 4 tờ 100 USD, 4 tờ 500.000 VNĐ và một số giấy tờ tùy thân khác. Chỉ vài phút sau, tài sản đã được trao trả cho du khách Zhang We, đến từ Trung Quốc, trong sự ngạc nhiên cảm phục của chủ nhân khối tài sản. Chiều 6/3/2016, khi dừng chân tại quán chè cung đình Huế thuộc khu du lịch, hai du khách đến từ TP Hồ Chí Minh là David Phạm và Lana Nguyễn đã để quên 1 túi xách có tổng giá trị tài sản lên tới gần 40 triệu đồng, bao gồm 30 triệu đồng tiền mặt, 1 thiết bị điện tử Ipad cùng nhiều giấy tờ cá nhân. Chưa đầy một tiếng đồng hồ sau khi thông báo tới bộ phận chăm sóc khách hàng của Bà Nà Hills, hai du khách đã không nghĩ mình có thể được nhận lại toàn bộ tài sản bỏ quên.
Anh Nguyễn Hữu Châu trưa ngày 10/7/2017, trong lúc nghỉ chân ở Ga Suối Mơ, trên đường trở về bãi đậu xe, vì mải mê nói chuyện với mọi người nên anh quên cầm theo túi xách. Khi quay lại chỗ cũ, túi xách đã không còn. Anh xác định chẳng có hy vọng tìm lại số tiền lớn. Vậy mà chỉ chưa đầy 2 tiếng sau, anh được khu du lịch gọi đến nhận lại toàn bộ số tiền hơn 100 triệu đồng.
Cách đây không lâu, các tờ báo lớn đưa tin một du khách từ An Giang – Lê Văn Thuận- đã được khu du lịch Sun World Ba Na Hills trả lại 300 triệu đồng thất lạc, sau 5 ngày đợi chờ và gần như không có hy vọng tìm lại được chiếc túi bỏ quên trên cáp treo.
32.300 kết quả sau 0,53 giây, nếu search từ khóa Bà Nà Hills trả lại đồ thất lạc cho du khách. Có những món tiền lớn cả vài trăm triệu, có những đồ vật nhỏ như cái ô, cái mũ… tất thảy đều được trao trả nguyên vẹn cho du khách.
Mỗi ngày đều đặn, năm này qua năm khác, chiếc tủ đồ thất lạc ở khu du lịch lại gom thêm những câu chuyện nhỏ đẹp như cổ tích. Việc tốt lan tỏa, người Đà Nẵng từ anh lái taxi cũng tin chắc một điều “mất đồ ở đâu chứ ở Bà Nà thì chắc chắn sẽ tìm lại được”.
Làm du lịch tử tế
Đóng một cái tủ để đựng đồ thất lạc, chuyện đơn giản ấy bất cứ khu du lịch nào cũng làm được. Nhưng để gây dựng lòng tin từ cái tủ đồ ấy thì không đơn giản.
Sun World Ba Na Hills xây dựng một quy trình tìm kiếm và trao trả đồ thất lạc bài bản, để từ nhân viên lao công bảo vệ đến những lãnh đạo cao nhất của khu du lịch đều có thể ngay lập tức trở thành “cảnh sát” trong công cuộc tìm và trả lại những món đồ từ nhỏ như cái mũ đến lớn tới nhiều trăm triệu như trường hợp của du khách Lê Văn Thuận kể trên.
Biết Bà Nà Hills có tủ đồ thất lạc, du khách hễ nhặt được đồ bị bỏ quên là tìm đến nhân viên gửi gắm ở đó, người quên đồ thì tìm đến đó với hy vọng lớn lao có thể lấy lại được tài sản, và họ ít có khi nào phải thất vọng ra về cả.
Quy trình ấy, cái tủ đồ thần kỳ ấy đã được tiếp tục gây dựng ở tất cả các khu du lịch mang thương hiệu Sun World của Tập đoàn Sun Group, từ Đà Nẵng cho tới Hạ Long, lên Fansipan Sa Pa và nhiều miền đất khác. Những câu chuyện đẹp lại được viết tiếp. Hôm 14/1/2017, khi dạo chơi tại khu vui chơi trên núi Ba Đèo của công viên Sun World Ha Long, du khách người Hàn Quốc Park Soo Young đã để quên một túi xách gồm nhiều giấy tờ tùy thân và vật dụng cá nhân, với tổng trị giá lên tới gần 20 triệu đồng. Nhân viên khu vui chơi là chị Nguyễn Thị Hiền đã nhặt được túi xách và trao lại đồ sau chưa đầy nửa tiếng đồng hồ trong sự vui mừng của du khách.
Ngày 1/2/2017, một nhân viên khác là anh Nguyễn Thế Anh đã nhặt được một ví nam trong đó có giấy tờ tùy thân và số tiền 18 triệu. Số tiền này cũng nhanh chóng được hoàn trả. Chủ tịch UBND TP Hạ Long đã tặng bằng khen cho hai nhân viên của khu vui chơi, ghi nhận những đóng góp để đem đến một hình ảnh Hạ Long đẹp và thân thiện trong mắt du khách, bạn bè trong và ngoài nước.
Mới thấy, một khu du lịch đẹp mới chỉ là yếu tố cần. Để du khách có ấn tượng đẹp về Khu du lịch, thì yếu tố “đủ” là thái độ, sự trung thực cũng như văn hóa của nơi đó. Tạo dựng văn hóa cho các điểm đến cần chăm chút từ những điều rất nhỏ, từ việc “nhặt được của rơi trả lại người mất” hay đơn giản, chỉ từ những nụ cười.