Cầm 150 nghìn đồng cho một ngày công rồi nghỉ việc do Covid, người mẹ 3 con bệnh tật khóc ròng

16:43 | 23/08/2020;
Cuối tháng 6/2020, chủ 1 nhà hàng trên phố cổ (Hà Nội) tập hợp hơn 20 nhân viên lại, giãi bày những ảnh hưởng của Covid-19. Nhà hàng phải cắt giảm lao động, "mong nhân viên hiểu và nếu ổn định, sẽ tuyển lại". Chị Nguyễn Thu Hương (SN 1981, ở Q.Tây Hồ, Hà Nội) là nhân viên bưng bê, rửa bát thuê tại nhà hàng này nằm trong nhóm bị cắt giảm đầu tiên.

Cầm 150 nghìn đồng cho một ngày công rồi nghỉ việc, chị Hương bật khóc trên đường từ nhà hàng về nhà. Đó là khoản thu nhập cố định duy nhất để chị nuôi 3 đứa con bệnh tật là Nguyễn Đức Huy (SN 2004), Nguyễn Quế Hòa (SN 2008) và Nguyễn Quế Bình (SN 2011). Cả 3 cháu đều phát hiện bị bệnh máu khó đông từ khi còn nhỏ. "Kiếm đâu ra tiền hàng tháng mua thuốc cho con?", câu hỏi đó cứ luẩn quẩn trong đầu chị. Sau 1 ngày mất việc, chị cũng đã đi khắp các trung tâm giới thiệu việc làm để tìm công việc mới nhưng đều không có kết quả.

Trước đây, để có tiền chạy chữa cho con, chị chấp nhận làm thuê làm mướn mọi việc, từ rửa bát đến phụ hàng ăn. Hàng ngày, chị Hương thức dậy lúc 4 giờ sáng và về nhà vào 11 giờ đêm. Công việc của chị là rửa bát thuê, bưng bê đồ ăn cho một nhà hàng trên phố cổ. Cứ như vậy những đứa trẻ chỉ được nhìn thấy mẹ, chơi đùa cùng mẹ khi trời đã khuya.

Công việc vất vả là thế nhưng tiền kiếm được cũng chẳng thấm vào đâu. Vậy là những thứ có giá trị trong nhà cứ lần lượt "đội nón ra đi". Cuối cùng, đến căn nhà mà mẹ con chị ở cũng đành phải bán để có tiền tiếp tục duy trì sự sống cho các con.

Bao năm lăn lộn, trải qua nhiều sóng gió nhưng chưa khi nào gia đình chị Hương cảm thấy bất lực như thời gian này. Covid-19 khiến cả gia đình 6 người, gồm 4 mẹ con chị Hương và ông bà ngoại từ sáng đến tối chỉ ngồi nhìn nhau trong căn nhà trọ rộng hơn chục mét vuông ở sau chợ Nhật Tân.

"Gạo muối đi xin được nhưng không có việc thì đồng nghĩa với không có tiền đưa con đi viện. Nhìn con trong những cơn đau, xót lắm nhưng chẳng biết phải làm sao. Hơn 1 tháng nay, trong nhà không còn đồng tiền nào để cho cháu Huy đi viện truyền huyết tương và hồng cầu. Cháu cũng hiểu hoàn cảnh gia đình nên nhiều khi phải cắn răng chịu đựng", chị Hương tâm sự.

Chị Hương mất việc từ cuối tháng 6 thì đến đầu tháng 7, bà Nguyễn Thị Thu (SN 1955, mẹ chị) cũng nhận hung tin. Chủ nhà nơi bà Thu làm giúp việc gọi điện thông báo, do ảnh hưởng từ Covid-19, gia đình họ bị cắt giảm thu nhập nên không còn nhu cầu thuê người giúp việc nữa.

2 người kiếm tiền chính của gia đình đều lâm vào cảnh thất nghiệp. Bữa ăn của gia đình hơn 1 tháng qua chỉ có cơm trắng với mấy cọng rau mồng tơi hái ngoài vườn. Đầu tháng 8, ông Nguyễn Văn Cảnh (SN 1954, bố đẻ của chị Hương) bị cảm nặng. Chị Hương muốn đưa bố đi viện nhưng ông không đồng ý vì sợ tốn kém.

"Bố tôi ốm nặng lắm, cầm cốc nước uống còn chảy hết xuống cổ áo, ăn bát cháo cũng phải có người đút. Nhìn bố cả ngày nằm co ro trên giường, hỏi chuyện bố cũng chẳng nói được gì, thương bố lắm nhưng chẳng biết làm gì hơn. Nhà cũng đã bán rồi, tiền cũng đã vay mượn khắp mọi nơi không thiếu chỗ nào. Có thời điểm 3 ngày ông không ăn uống được gì, gia đình tôi đã họp bàn để chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất", chị Hương nghẹn ngào.

Người mẹ bị mất việc do ảnh hưởng từ đại dịch: “Chưa bao giờ thấy bế tắc như lúc này” - Ảnh 1.

2 con của chị Hương đối diện với nguy cơ không được đi học

Sắp tới, 2 cháu Hòa và Bình bước vào năm học mới, không biết gia đình sẽ xoay xở tiền ở đâu để đóng học phí cho các con. Có lẽ 2 cháu sẽ phải nghỉ học. Chị Hương cảm thấy như bị dồn vào bước đường cùng.

"Chưa bao giờ tôi cảm thấy bế tắc như lúc này, sinh con ra không lo được chu đáo cho các con, công ơn đấng sinh thành cũng không báo đáp được gì nhiều", chị Hương tâm sự.

Hiện tại, chị Hương chỉ mong muốn sớm tìm được công việc gì đó để có thu nhập trang trải cuộc sống, vừa chăm sóc được cho bố và các con.

Bó rau cũng phải chắt chiu

Hơn 3 năm trước, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hải (SN 1985) - chị Nguyễn Kim Anh (SN 1987) từ Yên Bái xuống Khu công nghiệp Bắc Thăng Long làm công nhân cho một công ty nước ngoài với mong muốn thoát ly khỏi cái nghèo. Để công việc được thuận lợi, chuyên tâm làm việc, 2 vợ chồng đã phải gửi con cho ông bà ở quê. Do thời gian hạn hẹp nên mỗi năm 2 vợ chồng chỉ dám về quê vài lần.

Ngồi trong căn phòng trọ khoảng 10m2 tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội), khuôn mặt anh Hải luôn rầu rĩ. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, cuộc sống của gia đình anh khó khăn trăm bề.

Anh kể, trước dịch, công nhân thoải mái đăng ký tăng ca, kiếm thêm thu nhập nhưng do ảnh hưởng dịch, công ty phải nghỉ một thời gian dài dẫn đến không có thu nhập. Hiện tại, công ty đã hoạt động trở lại nhưng việc không đều, không còn tăng ca sản xuất được như trước nên thu nhập của nhiều công nhân, trong đó có vợ chồng anh Hải bị giảm sút nghiêm trọng.

"Hơn 4 tháng nay, thu nhập chỉ đủ tiền ăn, tiền nhà trọ. Ở Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ, muốn mua mấy gói bánh, bộ quần áo mới gửi về cho các con cũng phải đong đếm. Vài ngày nữa các con vào năm học mới rồi, không biết lấy tiền ở đâu để đóng học phí cho con đây", dứt lời, đôi bàn tay anh đan chặt vào nhau, hai môi mím chặt rồi thở dài.

Mấy tháng vừa qua, vợ chồng anh Hải kiếm được đồng nào xào đồng ấy, gần như không có của để dành, song anh chị vẫn cố bám trụ lại công ty. Về quê thời điểm này, anh chị cũng không biết phải làm gì. Covid-19 khiến cả xã hội bị ảnh hưởng. Anh chị cũng muốn ở lại cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Nguồn thu nhập giảm khiến gia đình anh phải thắt chặt chi tiêu. Anh Hải nhẩm tính, chỉ riêng tiền ăn cho 2 vợ chồng khoảng 3 triệu đồng/tháng, tiền nhà trọ 2 triệu đồng/tháng. "Số tiền này đã hết 2/3 tháng lương của vợ chồng tôi. Giờ đến bó rau, hai vợ chồng cũng phải chắt chiu mới qua được giai đoạn này", anh Hải nói như mếu.

Anh Hải cho rằng mình vẫn còn may mắn bởi nhiều công nhân trên địa bàn đã bị mất việc, không có thu nhập. Làm công nhân tại đây hơn 3 năm, chưa bao giờ anh Hải thấy tình hình khó khăn như lúc này. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đỉnh điểm, công ty không có đơn hàng anh phải nghỉ ở nhà hơn 1 tháng. Giờ có việc nhưng cứ làm 1 tuần lại nghỉ 1 tuần, thậm chí vợ chồng anh còn đang nằm trong nguy cơ bị cắt giảm nhân sự thời gian tới.

Thời gian chơi nhiều hơn làm, dù muốn gần con lắm nhưng cũng không dám về quê, bởi anh chị sợ tốn kém. Hàng tháng, hai vợ chồng chỉ gửi được 1 triệu đồng về quê cho ông bà chăm sóc 2 đứa con nhỏ.

"Ngày nào tôi cũng gọi điện về cho con vì quá nhớ, cháu lớn năm nay đã vào lớp 4 rồi nên cũng biết nhiều. Có hôm cháu đòi bố mẹ về quê chơi, dù thương lắm nhưng chúng tôi chỉ biết gạt nước mắt đi thôi. Cuộc đời mình khổ cực rồi nhưng không thể để con cái khổ theo mình được, mỗi lúc quá mệt mỏi, hai vợ chồng lại động viên nhau gắng vượt qua vì con", anh Hải ngậm ngùi.

Dự báo trong quý 3/2020, xuất khẩu của Việt Nam bị hạn chế do các đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Mặt khác, nguyên nhiên liệu cần trong sản xuất bị cạn kiệt dần. Trước thực trạng đó, Cục Việc làm của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đã tính đến kịch bản xấu nhất là thời gian tới, số lao động mất việc có thể tăng khoảng 60.000 đến 70.000 mỗi tháng, tập trung chính ở các lĩnh vực như du lịch, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo... Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người.

Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn