Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, khoảng 1/3 người Mỹ không thể ước tính được lượng muối họ tiêu thụ hàng ngày. Trong khi 54% số người được khảo sát ước tính họ tiêu thụ lượng muối ít hơn so với thực tế. Với những người mắc bệnh tăng huyết áp, béo phì hoặc tiểu đường thì việc biết chính xác con số trên là rất quan trọng. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học quyết định phát triển cảm biến natri gắn trong miệng người dùng.
Cảm biến này bao gồm một màng đàn hồi siêu mỏng, thoáng khí, với linh kiện điện tử linh hoạt được gắn bên trên. Linh kiện này gồm cảm biến phát hiện lượng natri trong đồ ăn, thức uống mà người đeo tiêu thụ trong thời gian thực và mô-đun Bluetooth truyền thông tin trên đến ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh hay máy tính bảng trong khoảng cách lên đến 10m.
Ý tưởng của các nhà khoa học không chỉ dừng ở việc thiết bị cho phép người dùng và bác sĩ theo dõi chính xác lượng natri trong thực phẩm mà họ còn có ý định phát triển thiết bị với tính năng lên kế hoạch bữa ăn và chế độ ăn phù hợp với sức khỏe người dùng.
Đến nay, thiết bị đã được thử nghiệm thành công trên 3 đối tượng là người lớn. Những người này đều đeo thiết bị khi tiêu thụ từ thực phẩm rắn đến lỏng như canh, súp gà hay khoai tây chiên trong 1 tuần. Họ báo cáo rằng cảm thấy thoải mái khi mang thiết bị.
Các nhà khoa học hy vọng thu nhỏ công nghệ hơn nữa, có thể sẽ chỉ nhỏ như một chiếc răng. Họ cũng muốn loại bỏ pin của thiết bị, thay vào đó là việc sạc hàng ngày.
“Bằng cách theo dõi natri trong thời gian thực, một ngày nào đó, thiết bị sẽ có thể giúp những người cần hạn chế lượng natri và học cách thay đổi thói quen ăn uống và chế độ ăn uống của họ”, PGS Woon-Hong Yeo cho biết.
Nghiên cứu trên đã được công bố trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.