Nhã Đình và chồng tới từ thôn Tân Xuân, trấn Tam Lâm, Thượng Hải (Trung Quốc). Gia đình 3 người vốn sống một cuộc sống bình lặng và hạnh phúc. Nhưng 2 năm trước, Nhã Đình bắt đầu bị đau xương. Sau khi đi khám tại bệnh viện, cô nhận được kết luận bị mắc bệnh bạch cầu cấp tính. Bác sĩ đưa ra phác đồ chữa bệnh với 6 lần hóa trị.
Quá trình điều trị vô cùng khó khăn nhưng nghĩ tới cậu con trai nhỏ, Nhã Đình đã có một khát vọng mạnh mẽ phải sống. Vì quá nhạy cảm với các loại thuốc hóa trị, nôn mửa và các phản ứng khác nhau, căng thẳng nên cô khó ngủ, thường xuyên phải dùng thuốc ngủ để hỗ trợ. Cứ như vậy, cô mang theo nỗi lòng canh cánh về gia đình, về cậu con trai nhỏ, dần dần bước từ vạch ngăn tử thần trở về cuộc sống.
Sau 6 lần hóa trị, các xét nghiệm cho thấy kết quả tốt. Sau khi sống sót qua cuộc khủng hoảng bất ngờ này, gia đình Nhã Đình đã rất vui mừng và tiếp tục củng cố điều trị. Nào ngờ chỉ 6 tháng sau, cô thấy đau xương trở lại. Bác sĩ nói với gia đình cô rằng ghép tủy xương bây giờ là cách duy nhất. Tháng 9/2018, theo đề nghị của bác sĩ, hai vợ chồng cô tới Hà Bắc để tiến hành cấy ghép. Vào thời điểm này, Nhã Đình đang vô cùng suy sụp. Ngoài đau đớn thể xác, tinh thần của cô còn chịu tra tấn mạnh hơn. Cô nghĩ rất nhiều mỗi ngày. Cô nhớ và lo lắng về đứa con trai 10 tuổi của mình ở nhà. Cô sợ không thể thực hiện lời hứa “trở về nhà” với cậu bé.
Sau nhiều lần kiểm tra, không ai có tủy phù hợp ngoài duy nhất cậu con trai 10 tuổi của Nhã Đình. Nhưng người hiến tặng bình thường cần phải trên 15 tuổi hoặc nặng hơn 45 kg. Nhìn đứa trẻ chỉ mới 10 tuổi và nặng chưa đến 35 kg, bác sĩ không đồng ý. Nhưng cậu bé 10 tuổi khi nghe nói rằng mình có thể cứu mẹ, đã tự tìm đến bác sĩ. “Chú, cứu mẹ cháu với. Cháu muốn cứu mẹ, cháu phải bảo vệ mẹ cháu!”. Bác sĩ nói với cậu bé rằng việc rút tủy sẽ rất đau nhưng cậu bé vẫn kiên quyết không từ bỏ, nói trong nước mắt: “Cháu không muốn mất mẹ, cháu không muốn trở thành một đứa trẻ mồ côi mẹ. Cháu xin chú!". Cuối cùng, khi nhìn con trai đang vật vã đổ mồ hôi trong phòng rút tủy, cả hai vợ chồng Nhã Đình đều bật khóc.
Một thời gian dài sau khi hiến tủy, bà nội cậu bé nói với Nhã Đình rằng cháu thường xuyên gặp ác mộng khi ngủ. Khi bà hỏi có đau không, cậu bé trả lời rằng có đau nhưng không thể ôm mẹ khóc, vì sợ mẹ mất tập trung điều trị bệnh.
Nhã Đình hiện đã tiến hành ghép tủy nhưng vẫn phải nằm theo dõi thường xuyên trong viện. Nghĩ tới cậu con trai còn nhỏ mà hiểu chuyện, nghĩ tới bố mẹ và chồng, những người đang hàng ngày bằng mọi cách gom tiền chữa trị cho mình, cô tự nhủ mình phải cố gắng rất nhiều.
Câu chuyện cảm động về cậu bé mới 10 tuổi mà đã tự coi mình là một “nam tử hán”, kiên quyết hiến tủy cứu mẹ khiến cho các y bác sĩ và bệnh nhân trong viện đều vô cùng cảm động. Họ cũng kêu gọi một quỹ hỗ trợ để giúp đỡ gia đình cậu bé vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đã không ít độc giả gửi lời nhắn bày tỏ sự cảm phục với tấm lòng hiếu thảo của cậu bé với mẹ.