Phản ứng đầu tiên của cộng đồng là sự bàng hoàng và sau đó là phẫn nộ trước hành vi của một số người đã cố tình cài lén thiết bị ghi hình và mục tiêu là những cô gái trẻ đến thuê nhà.
Trong nhiều năm qua, một số lượng lớn người từ các địa phương đổ về các đô thị lớn với mục đích học tập, làm việc. Đô thị lớn không ngừng phình ra và nhu cầu chỗ ở ngày càng "nóng" lên không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chỉ một số ít người có điều kiện có thể mua nhà tại thành phố, đa số những người trẻ đều phải thuê nhà. Cầu lớn hơn cung, là những giao dịch dân sự nhưng chưa bao giờ người thuê và chủ nhà thực sự bình đẳng. Trên mạng xã hội rất nhiều thông tin phản ánh về tình trạng chủ nhà gây khó dễ chèn ép, chiếm đoạt tiền đặt cọc khi thuê nhà, ăn chặn tiền điện tiền nước... Người thuê nhà luôn yếu thế và có nguy cơ bị "xử ép".
Với sự thay đổi của xã hội, khoảng 20 năm trở lại đây, những dãy nhà thuê cấp 4 lợp ngói pro ximăng được thay thế bằng các chung cư mini cao tầng, bên trong được chia nhỏ thành những phòng studio khép kín tương đối đầy đủ tiện nghi. Nhưng đây cũng chính là điều kiện để một số kẻ có sở thích bệnh hoạn thực hiện hành vi quay lén phụ nữ trẻ.
Những căn phòng được lắp đặt camera quay lén đó là những cạm bẫy đúng nghĩa. Kẻ đặt camera đã dự mưu, có kế hoạch cài đặt sẵn những thiết bị ghi hình, đã căn chỉnh để sao cho có thể ghi hình một cách tối ưu cũng như được ngụy trang một cách tinh vi nhất. Những căn chung cư đó trở thành cái bẫy giăng sẵn chờ đợi nạn nhân.
Đặc thù của những cạm bẫy này là cơ quan chức năng, người thuê hầu như không thể phát hiện bởi thiết bị được ngụy trang và đương nhiên lắp đặt một cách kín đáo trong những căn phòng studio khép kín không chịu bất kỳ sự kiểm tra giám sát nào.
Đây cũng chính là lý do cả 2 vụ việc bị phát hiện cho đến nay thì người phát hiện đều chính là nạn nhân.
Trong cuộc sống, nhà, dù là nhà thuê, cũng vẫn là nơi mà mỗi cá nhân được thực hiện đầy đủ nhất quyền riêng tư của mình, bởi đơn giản đó là không gian riêng của chính họ. Tuy nhiên khi cài đặt thiết bị ghi hình, những kẻ thủ ác đã bí mật xâm hại đời tư của họ mà nạn nhân không hề hay biết.
Một thực tế đáng buồn, với các quy định cũng như vận dụng và áp dụng pháp luật hiện nay, hành vi đặt thiết bị ghi hình lén này bị xử lý rất nhẹ, chỉ dừng ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính với mức 12,5 triệu đồng như vụ việc được phát hiện mới đây.
Với quan điểm khi kẻ có hành vi ghi hình chỉ xem một mình chưa phát tán các hình ảnh đó ra cộng đồng thì mức xử phạt chỉ có thể áp dụng như vậy.
Ở góc độ đạo đức và quan trọng hơn nữa là quyền con người, có rất nhiều hành vi không gây tổn hại về mặt sức khỏe, kinh tế, vật chất nhưng lại tổn hại rất lớn đến tâm lý nạn nhân. Đó hầu hết là những hành vi xâm hại danh dự, nhân phẩm con người mà trong nhiều trường hợp, người có hành vi vi phạm không cần phải có bất kỳ một "tác động vật lý" nào đến nạn nhân.
Sau những vụ việc kể trên, có lẽ các nạn nhân đã phải gánh chịu một cú sốc tâm lý không nhỏ. Cảm giác luôn bị người khác quay lén ghi hình trộm sẽ còn ám ảnh họ. Bên cạnh đó, "cộng đồng" những phụ nữ phải thuê nhà cũng ít nhiều chung cảm giác bất an.
Phản ứng của họ để bảo vệ chính mình không còn cách nào khác là phải rà soát tìm kiếm những camera giấu kín trong căn phòng mà mình đang ở. Nhưng trong một xã hội văn minh, luật pháp cần phải chi tiết, cụ thể hơn nữa để mỗi con người không phải đơn độc tự thực hiện những biện pháp bảo vệ chính mình trong nỗi phấp phỏng lo sợ như vậy.
Xã hội, với sự tác động của công nghệ đang thay đổi mỗi ngày mỗi giờ, những thiết chế thuộc kiến trúc thượng tầng cũng cần vận động và thay đổi để thích ứng kịp thời. Những vụ quay lén lần đầu tiên đã được khám phá nhưng điều đó cũng có nghĩa là bất cứ căn phòng thuê nào cũng có thể tiềm ẩn camera giấu kín nếu luật pháp cũng như những nhà quản lý xã hội không vào cuộc một cách kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn