Cần áp dụng mô hình bác sĩ nội trú trong đào tạo giáo viên?

19:35 | 06/04/2018;
Bạo lực học đường, cụ thể là giáo viên bạo lực học trò bằng những hình phạt nằm ngoài mọi phạm trù đạo đức, đang khiến dư luận hoang mang về môi trường giáo dục. Có ý kiến cho rằng trong đào tạo giáo viên cần áp dụng mô hình kiểu đào tạo bác sĩ nội trú.

Giáo sinh phải được sát hạch đạo đức trước khi tốt nghiệp

Vụ ép học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng vừa diễn ra tại Hải Phòng đang khiến cả dư luận dậy sóng. Trước đó, là câu chuyện đau lòng về nữ giáo viên “bạo hành” tinh thần học sinh khi lên lớp giảng dạy bằng hình thức "tuyệt giao" với trò trong nhiều tháng khiến học sinh khóc khi phản ánh tới cơ quan quản lý giáo dục.
Nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức, thậm chí nguyên tắc nghề nghiệp, đang ngấm ngầm tạo nên tâm trạng hoang mang, hoài nghi của phụ huynh khi nghĩ về ngôi trường mà con mình đang theo học.

bao_luc_hoc_duong_hinh_anh_qqdk_zqpv.jpg
Tình trạng bạo lực học đường ngày càng phức tạp khiến phụ huynh hoang mang. Ảnh minh họa

Sự thật là chính giáo viên và cả học sinh, đang thiếu một điều gì đó mang tính nền tảng. Điều này được TS tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) mổ xẻ rằng, cả học sinh và giáo viên cần được hỗ trợ, trong trường hợp xảy ra những tình huống mang dấu hiệu bạo lực học đường.

Với học sinh, theo TS Trần Thành Nam, điều cần làm cho học sinh lúc này là xây dựng lại và phổ biến rộng rãi bộ quy tắc ứng xử của giáo viên, học sinh trong nhà trường. Theo đó, học sinh cần ý thức rõ các quyền và nghĩa vụ của mình.

“Khi có hành vi bạo lực, học sinh cần làm rõ ràng quy trình báo cáo xử lý các tình huống vi phạm, địa chỉ email hoặc con người cụ thể để học sinh có thể báo cáo mà vẫn được bảo vệ quyền riêng tư cho các em, là điều cần đặt ra trong lúc này” – TS Nam nói.

Đối với giáo viên, TS Trần Thành Nam cho rằng bản thân các giáo viên cũng cần được hỗ trợ. Ngoài việc giúp các bên hiểu rõ vấn đề và hòa giải tinh thần, cần có công cụ hỗ trợ để giúp họ lường trước những hệ lụy có thể xảy ra trong tương lai. Thậm chỉ kể cả những hệ lụy trên mạng xã hội để sẵn sàng đương đầu.

Tuy nhiên, với những giáo viên có hành động mất kiểm soát, điều cần thiết để bảo vệ học sinh là cách ly ngay khỏi việc giảng dạy thay vì cân lên đặt xuống.

Sâu xa hơn, về những hành động bộc phát bạo lực của giáo viên trong nhà trường, TS Trần Thành Nam cho rằng, bên cạnh các nguyên nhân về áp lực của giáo viên cũng như lỗi hành vi của học sinh góp phần làm cho giáo viên mất kiểm soát, nhất thiết cần xem lại nội dung chương trình đào tạo giáo sinh.

Theo ông, cần xem xét để yêu cầu bắt buộc các chương trình đào tạo giáo viên phải có những bài đánh giá sàng lọc đặc điểm nhân cách và ứng xử đạo đức đầu vào. Nội dung đào tạo phải dành thời lượng hợp lý để rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà giáo với các giá trị cơ bản như vì quyền lợi tốt nhất của học sinh, hành xử tin cậy, trách nhiệm, chính trực, công bằng, tôn trọng con người và phẩm giá của học sinh.

“Chương trình đào tạo cũng cần phải dành thời lượng đáng kể để các em xuống trải nghiệm nghề nghiệp thực tế tại các trường (giống như mô hình đào tạo bác sỹ nội trú) trước khi nhận bằng tốt nghiệp” – ông nói.

giao-sinh-thuc-tap.jpg
Giáo sinh thực tập tại Trường THCS Lý Phong (Q.5, TP.HCM). ẢNH: Đào Ngọc Thạch

 

Đào tạo kỹ năng, đạo đức nhà giáo chưa đủ "thấm"?

Trước những vụ việc đau lòng về nạn bạo lực học đường giữa giáo viên và học sinh, ông Hoàng Đức Minh - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT - cho biết, lâu nay các cơ sở đào tạo giáo viên đã đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình đào tạo. Trong đó chú trọng hơn đến các nội dung về nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo. Những nội dung này thuộc chỉ đạo chung của Bộ GD&ĐT từ đầu năm học, đồng thời được nhấn mạnh khi có các tình huống phát sinh xảy ra.

Theo đó, nhiều tình huống ứng xử nhằm mục đích giáo dục học sinh đã được các trường đặt ra trong những hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giờ chào cờ hằng tuần nhằm tăng cường tính tương tác, đối thoại giữa thầy trò, giữa giáo viên với cha mẹ học sinh.

Tuy vậy, thực tế là mọi công cụ hỗ trợ, nội dung đào tạo kỹ năng vẫn chưa đủ với giáo viên. Về điều này, ông Hoàng Đức Minh cho biết, bộ GD&ĐT đã ban hành các thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và chuẩn nghề nghiệp.

Cùng với đó là xây dựng các chương trình, tài liệu giáo dục kỹ năng sống, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên các phương pháp, kỹ thuật tổ chức, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh...

“Chúng tôi nghĩ rằng, để hạn chế, giải quyết dứt điểm những sự việc đáng tiếc như đã xảy ra, ngành GD&ĐT cần sự chung tay giúp sức của chính quyền các địa phương, cơ quan giáo dục các cấp và cả cha mẹ học sinh. Bên cạnh việc phát hiện, xử lý kịp thời sai phạm, bộ cũng mong muốn những câu chuyện đẹp, tấm gương nhà giáo, hay mô hình giáo dục hiệu quả được nhân rộng, tạo sức lan tỏa. Đây cũng là một cách đẩy lùi tiêu cực” – ông Minh nói. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn