Cần bảo vệ hình ảnh của các cấp Hội trên không gian mạng

14:11 | 15/12/2023;
Thảo luận tại tổ sáng 15/12, bà Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội đề xuất, TƯ Hội cần đưa ra những cách thức, tiêu chí đánh giá, chấm điểm với mô hình tập hợp phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội trên không gian mạng cũng như cần có sự phối kết hợp với các cơ quan chức năng để quản lý, bảo vệ hình ảnh của Hội trên không gian mạng.

Tiếp tục chương trình Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII, sáng 15/12, các đại biểu thảo luận tại tổ về nhiều nội dung quan trọng liên quan kết quả hoạt động Hội năm 2023 và kế hoạch năm 2024.

Tại phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các nội dung: dự thảo Báo cáo kết quả công tác Hội năm 2023; dự thảo Kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác Hội năm 2024; dự thảo Kế hoạch đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022-2027; dự thảo Bản tiêu chí đánh giá thi đua công tác Hội và phong trào phụ nữ đối với Hội LHPN tỉnh, thành phố, đơn vị năm 2024; dự thảo Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Hội LHPN các cấp năm 2023; dự thảo Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát hoạt động Hội LHPN các cấp năm 2024; dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đa số các đại biểu cơ bản thống nhất với các dự thảo, trong đó có chung nhận định, phong trào, công tác Hội thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, Hội LHPN các cấp không ngừng nỗ lực, bám sát thực tiễn và chủ đề năm 2023 "Tập trung xây dựng cơ sở Hội, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ Hội cơ sở", chủ động tổ chức triển khai nhiệm vụ năm 2023 với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Tăng cường phối hợp với các bộ ngành, phát huy tối đa hiệu quả

Phát biểu tại tổ thảo luận, Thiếu tướng Ngô Hoài Thu, Trưởng Ban Phụ nữ Công an Nhân dân cho biết, năm 2023, Ban Phụ nữ Công an Nhân dân đã có nhiều hoạt động nổi bật, hiệu quả, đặc biệt là trong các hoạt động đối ngoại.

Với phương châm "Ở đâu có hội viên, ở đó có hoạt động Hội", Hội Phụ nữ Bộ Công an đã thông qua hội viên là nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan để phối hợp với Mạng lưới phụ nữ Cảnh sát Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tổ chức tặng quà cho phụ nữ khuyết tật tại Trại lánh nạn số 3 và trẻ em tại Trại trẻ mồ côi ở Thủ đô Juba, Nam Sudan.

Cần bảo vệ hình ảnh của các cấp Hội trên không gian mạng- Ảnh 1.

Thiếu tướng Ngô Hoài Thu, Trưởng Ban Phụ nữ Công an Nhân dân

Thiếu tướng Ngô Hoài Thu đề cao vai trò tăng cường phối hợp hoạt động của TƯ Hội LHPN Việt Nam với các bộ ngành. Trong thời gian tới, Thiếu tướng Ngô Hoài Thu cũng đề xuất TƯ Hội đẩy mạnh những hoạt động phối hợp với Bộ Công an, tổ chức biểu dương phụ nữ tiêu biểu trong phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc; đề nghị bổ sung vào Đề án của Chính phủ về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc.

Sôi nổi thảo luận việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội

Đề cập đến mô hình tập hợp phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội trên không gian mạng, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội nêu vấn đề, hiện nay, các cấp Hội đều có trang Fanpage cập nhật các hoạt động Hội. Đây là một hình thức quảng bá, tuyên truyền, đồng thời thu hút hội viên, phụ nữ. Tuy nhiên, trên thực tế vừa qua đã có tình trạng lạm dụng hình ảnh của tổ chức Hội trên không gian mạng vào những mục đích cá nhân. Bà Kim Anh đề xuất TƯ Hội cần đưa ra những cách thức, tiêu chí đánh giá, chấm điểm với mô hình tập hợp phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội trên không gian mạng cho phù hợp với thực tiễn cũng như cần có sự phối kết hợp với các cơ quan chức năng để quản lý, bảo vệ hình ảnh của Hội trên không gian mạng.

Bà Trần Thị Định, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nam Định đánh giá, Báo cáo về thực hiện Chỉ thị 21 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 961 của Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam về kế hoạch triển khai tài chính toàn diện đã được chuẩn bị rất sâu sắc, đặc biệt là số liệu có tính phân tích cụ thể, để mỗi tỉnh có thể nhìn thấy địa phương đang làm được tới đâu so với toàn quốc, trên cơ sở đó xác định được những trọng tâm cho nội dung dung thực hiện trong năm 2024; qua đó thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đồng thời hướng tới các hoạt động sát với thực tiễn với những vấn đề của chị em phụ nữ tại địa phương.

Cần bảo vệ hình ảnh của các cấp Hội trên không gian mạng- Ảnh 2.

Bà Trần Thị Định, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nam Định

Với kế hoạch công tác năm 2024, theo bà Trần Thị Định, chủ đề công tác năm "ứng dụng công nghệ trong hoạt động Hội" là nội dung rất sát với tình hình hiện nay.

"Với các chị em lao động tại các khu công nghiệp, do điều kiện làm việc ca kíp, ít có thời gian tham gia sinh hoạt Hội, thì tổ chức Hội ứng dụng công nghệ, tận dụng thế mạnh của mạng xã hội để kết nối, phổ biến, tuyên truyền tới chị em, để chị em có điều kiện tiếp cận được thông tin, kết nối chặt chẽ với tổ chức Hội là điều phù hợp, cấp thiết"- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nam Định nêu quan điểm.

Cũng quan tâm việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Hội, bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cho biết, Cuộc thi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội là một trong những hoạt động cụ thể để hưởng ứng Chủ đề năm 2024. Tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch trình Thường trực Tỉnh ủy để xin chủ trương.

Cần bảo vệ hình ảnh của các cấp Hội trên không gian mạng- Ảnh 3.

Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại thảo luận tổ

Đại biểu đề xuất TƯ Hội sớm có kế hoạch, hướng dẫn chi tiết để làm căn cứ mục tiêu đặt ra với cuộc thi này; theo đó, các tỉnh/thành cũng xây dựng được kế hoạch sát hơn. Đồng thời thông qua cuộc thi, các địa phương đều mong muốn có được phần mềm thống nhất chung của hệ thống Hội sử dụng chung trên toàn quốc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn