Căn bệnh có cơ chế lây truyền nguy hiểm khiến 11.000 người Việt tử vong mỗi năm

09:40 | 27/03/2020;
Cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn Covid-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi TƯ, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, nước ta hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, ước tính Việt Nam có 174.000 người mắc lao mới mỗi năm. Chương trình Chống lao Quốc gia hiện đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, khoảng 20.000 người được phát hiện đã điều trị tại khu vực y tế tư nhân nhưng không báo cáo với chương trình, còn lại khoảng 50.000 bệnh nhân chưa được phát hiện. Số người chết do lao năm 2018 ở Việt Nam ước tính là 11.000 người và có thêm 2.000 người chết vì lao/HIV.

Điều trị cho bệnh nhân lao

Thăm khám cho bệnh nhân lao

TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn COVID-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét. Vi khuẩn lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Trong khi đó, COVID-19 chỉ lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên miệng mắt mũi.

Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 57%, có nghĩa là còn tới 43% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và báo cáo trong cộng đồng. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức cao, trên 90% với bệnh nhân lao mới, 75% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

Bệnh lao tuy dễ lây nhưng đã có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Các kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới điều trị căn bệnh này trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Trong khi đó, bệnh nhân lao sẽ được điều trị miễn phí thuốc chống lao, đối với tất cả các thể lao. Vì thế, người dân cần chủ động phòng chống lao. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đi khám và điều trị sớm.

Phụ nữ là lực lượng quan trọng trong phòng chống lao

Phụ nữ là lực lượng quan trọng trong phòng chống lao

"Chương trình đã điều trị hơn 100.000 bệnh nhân mỗi năm, số người tử vong khi đã được phát hiện và điều trị chỉ là hơn 2.000 người bệnh. Để mọi người bệnh có thể được phát hiện và điều trị kịp thời, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đặc biệt là của cả cộng đồng, không kỳ thị mặc cảm mà chủ động tham gia phát hiện bệnh khi có triệu chứng", TS Nhung cho biết.

Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho rằng, một lực lượng vô cùng quan trọng trong cuộc chiến phòng chống lao là người phụ nữ trong mỗi gia đình. Chương trình Chống lao Quốc gia đặt ra mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình họ không mắc lao. Hội Phổi Việt Nam vừa thành lập Chi hội Phụ nữ và đây sẽ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng, chống lao đến từng hội viên Hội LHPN Việt Nam trong toàn quốc. Đồng thời, Chương trình cũng đặt chỉ tiêu 10 triệu thanh niên và 100% học sinh bậc tiểu học có kiến thức và thực hành về công tác phòng, chống lao.

Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao (Ủy ban Quốc gia). Ủy ban được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc, điều phối các bộ, ban, ngành, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng trong phòng, chống bệnh lao nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt nam vào năm 2030, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ngoài ra, Việt Nam đã có Chương trình Chống lao Quốc gia, với mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc mà nòng cốt là BV Phổi Trung ương, có Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB)… Tất cả điều đó sẽ giúp Chương trình đạt được mục tiêu đã đề ra: Đến năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn