Căn bệnh có thể gây hỏng ruột, thường gặp ở người sau 50 tuổi

18:41 | 09/10/2023;
Theo các chuyên gia, người trên 50 tuổi và trẻ nhỏ có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh thoát vị bẹn.

Số liệu thống kê trong 2 năm của Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận rất nhiều bệnh nhân đến cấp cứu do gặp biến chứng của thoát vị bẹn. 

TS.BS Trần Quế Sơn, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, thoát vị bẹn là hiện tượng các tạng trong ổ bụng chui qua ống bẹn hay điểm yếu của thành bụng vùng bẹn ngay trên dây chằng bẹn ra dưới da hay xuống bìu. Tỷ lệ mắc thoát vị bẹn là 27–43% ở nam giới và 3–6% ở nữ giới. Trẻ nhỏ và người trên 50 tuổi là những nhóm tuổi có nguy cơ mắc thoát vị bẹn cao nhất.

60 tuổi dễ mắc căn bệnh gây hỏng ruột: Dấu hiệu nhận biết sớm - Ảnh 1.

Bệnh nhân khám bệnh (ảnh minh hoạ - nguồn ST).

Đa phần các trường hợp thoát vị bẹn tới khám thường có các triệu chứng như:

- Khối phồng ở một hoặc hai bên bẹn, tăng nhiều khi ho hoặc đứng lên và biến mất khi nằm. Ở nam giới có thể thấy bìu bị sưng to, đau.

- Cảm giác khó chịu hoặc đau, đặc biệt là khi mang vác vật nặng, tập thể dục.

- Tạng thoát vị chui xuống ống bẹn có thể bị thắt nghẹt, gây ra các triệu chứng của thoát vị bẹn nghẹt như khối phồng không thể đẩy lên được, sờ nắn rất đau.

Theo TS.BS Sơn, thoát vị bẹn nếu không được điều trị có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như hoại tử ruột, đặc biệt là ruột non và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Nhiều trường hợp còn gặp biến chứng thoát vị kẹt do tạng thoát vị chui vào túi thoát vị, dính với nhau mà không thể đẩy lên ổ bụng được. Thoát vị kẹt thường gây ra cảm giác vướng, đau và khó chịu cho người bệnh.

"Thoát vị nghẹt thường gặp hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi và tỷ lệ hiện mắc ở những người trên 60 tuổi đã được báo cáo là 9,8%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ mắc 1,8% ở những bệnh nhân trẻ tuổi; tỷ lệ mắc bệnh và tử vong tăng lên ở độ tuổi trên 65 lần lượt là 55% và 15%", bác sĩ Sơn nói.

Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc thoát vị bẹn là: Người cao tuổi có các cơ thành ổ bụng yếu; Người hay làm việc nặng nhọc; Người táo bón kéo dài; Người bí tiểu hoặc tiểu khó do u phì đại tiền liệt tuyến... Thoát vị bẹn cũng có thể là do áp lực từ các ổ bụng và do biến chứng thoát vị phần khác ở bụng.

Ngoài ra, những người mắc các bệnh như nang thừng tinh, cổ chướng... cũng có nguy cơ mắc thoát vị bẹn cao hơn những người bình thường.

Phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn là một trong những phẫu thuật được thực hiện nhiều nhất trên toàn thế giới với hơn 20 triệu ca mỗi năm. Kể từ ca phẫu thuật phục hồi thành bụng do thoát vị bẹn đầu tiên được bác sĩ Edoardo Bassini (bác sĩ phẫu thuật người Ý) mô tả vào năm 1888, đến nay đã có hơn hơn 100 kỹ thuật khác nhau để chữa trị thoát vị bẹn và đùi được báo cáo. 

Cho đến nay, nhiều phương pháp phẫu thuật mới và cải tiến đã được áp dụng để điều trị thoát vị bẹn nhưng bệnh vẫn có một tỉ lệ tái phát nhất định tuỳ theo độ tuổi cũng như phương pháp mổ.

Thoát vị bẹn tái phát là thoát vị xảy ra tại một thời điểm nào đó sau khi người bệnh được phẫu thuật thoát vị bẹn. Khối thoát vị xuất hiện ở gần hoặc tại vị trí của lần phẫu thuật trước. Theo một số nghiên cứu, tỉ lệ tái phát rơi vào khoảng 3,8-5,5%, thậm chí có thể lên tới 10% sau 12 năm theo dõi.

Trên thực tế, có một số yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng tái phát của thoát vị bẹn bao gồm yếu tố liên quan đến người bệnh, yếu tố liên quan đến kinh nghiệm của phẫu thuật viên và yếu tố liên quan đến đặc điểm kỹ thuật mổ.

Bác sĩ Sơn khuyến cáo, khi có những dấu hiệu lâm sàng của bệnh thoát vị bẹn, người dân cần đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt. Nếu mắc thoát vị bẹn thì việc phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao hơn. Đặc biệt, phẫu thuật kịp thời sẽ giúp bệnh nhân tránh được biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn