Căn bệnh khiến 80 người phải cách ly ở TPHCM rất dễ lây lan

22:50 | 02/06/2018;
Virus cúm A/H1N1 có thể dễ dàng lây lan từ người sang người qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Tỷ lệ tử vong khi mắc căn bệnh này từ 2 đến 4%.
Ngày 2/6, BV Từ Dũ (TP. HCM) cho biết, có 16 bệnh nhân bị nhiễm virus cúm A/H1N1 từ một phụ nữ ở Tiền Giang. Hiện tại, đã có tổng cộng hơn 80 người phải cách ly vì nghi ngờ nhiễm căn bệnh này. Vậy, căn bệnh này nguy hiểm như thế nào.
 
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Cúm A/H1N1 được phát hiện năm 2009 và là một trong các bệnh cúm mùa hiện nay. Bệnh gây ra bởi cơ thể nhiễm virust cúm A/H1N1 (còn gọi là cúm lợn vì chủng cúm này có nguồn gốc từ lợn. 
 
Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên ghi nhận ngày 26/5/2009 và bùng phát mạnh vào những tháng cuối năm 2009, sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, năm 2010, Việt Nam đã cơ bản khống chế dịch cúm A(H1N1) trên phạm vi toàn quốc.
 
Hiện nay, cúm A/H1N1 dễ dàng lây bệnh từ người sang người như các chủng cúm mùa thông thường khác. Virus cúm A/H1N1 có thể dễ dàng lây lan từ người sang người giống như cách lây lan của cúm thường qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người bệnh cũng có thể nhiễm cúm A/H1N1 do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút, chạm vào khăn giấy đã dụng có nhiễm virus sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm vi rút cúm A(H1N1).
bvtudum_kagj.jpg
Tiêm vaccine để phòng bệnh cúm A/H1N1

Khi bị cúm A/H1N1, bệnh nhân có các triệu chứng như sốt (trên 38 độ C) và ớn lạnh; đau viêm họng; nhức đầu; đau mình và nhức cơ; ho khan; xổ mũi; mệt mỏi và suy nhược; tiêu chảy và ói mửa… Cũng theo ông Phu, bệnh cúm A/H1N1 có tỷ lệ mắc thường cao, dễ  lây lan và có thể mau chóng gây đại dịch, với tỷ lệ tử vong từ 1-4%. Hơn nữa, những người mắc cúm A/H1N1 có thể lây lan bệnh 1 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài 07 ngày sau khi khởi bệnh.

 

Theo ông Phu, để phòng bệnh cúm A/H1N1, người dân cần sử dụng các biện pháp:
 
- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;
 
- Không khạc nhổ bừa bãi. Hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.
 
- Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.
 
- Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.
 
- Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vaccine để phòng bệnh.
 
Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan.
 
Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
 
Các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn