Bàn chân đi mòn các lối đến nhà hội viên
Người dân xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) vẫn nhắc đến chị Phạm Thị Hà kèm theo những câu trìu mến: "Chị Hà phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà", "miệng nói, tay làm", "bà đỡ của các mô hình kinh tế"…
Bén duyên với công tác Hội từ năm 2003, với trách nhiệm, sự tâm huyết của mình, bàn chân chị đã đi mòn các lối đến nhà hội viên để tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ. Với sự tận tâm, nỗ lực và năng lực của chị, đến năm 2014, chị Hà được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội LHPN xã, niềm hăng say với công tác Hội của chị như được chắp thêm đôi cánh.
Với cương vị là chủ tịch Hội LHPN xã, chị xác định muốn tuyên truyền, vận động hội viên thì bản thân phải làm gương, đi đầu dậy trước, sau nhiều năm làm công tác Hội, tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh, chị thấy đây chính là cơ hội để mình mạnh dạn vươn lên phát triển kinh tế. Chia sẻ suy nghĩ đó và nhận được sự ủng hộ, hậu thuẫn từ chồng con, năm 2016, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư cải tạo 4 héc ta vườn tạp để trồng cây ăn quả với 1.200 gốc cam, nuôi 22 đàn ong lấy mật.
Sau 4 năm, với sự cần cù, chịu khó của anh chị, mô hình đã phát triển và cho thu nhập trên 700 triệu đồng/năm. Bận rộn với nhiệm vụ của Hội và nhiệm vụ của địa phương nhưng "về đến nhà là miệng nói, tay làm" – đó là lời nhận xét của chồng chị cùng với nụ cười hồn hậu và ánh mắt lấp lánh niềm tự hào khi anh nói về người vợ của mình.
Khi còn là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Hà luôn trăn trở: Đức Lạng là địa bàn có lợi thế về diện tích vườn đồi nhưng phần lớn đều đang lãng phí, chủ yếu là vườn tạp, chưa có hiệu quả kinh tế, đời sống hội viên phụ nữ còn nhiều khó khăn, chị em vẫn loay hoay chưa tìm được hướng sinh kế phù hợp".
Ngay sau khi được giao trọng trách Chủ tịch Hội LHPN xã, thực hiện phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", tiêu chí "không đói nghèo" của cuộc vận động luôn văng vẳng trong đầu chị.
"Làm sao để chị em hội viên của mình từ hộ nghèo sẽ thoát nghèo, từ hộ trung bình sẽ vươn lên khá, làm giàu trên chính quê hương mình để cùng nhau xây dựng quê hương nông thôn mới giàu đẹp" là câu hỏi mà chị tự đặt ra cho mình. Chính từ suy nghĩ đó, chị đã nghiên cứu rất kỹ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh, huyện; tham quan các mô hình kinh tế vườn đồi ở các huyện bạn (Hương Sơn, Hương Khê) và quyết định mạnh dạn đi đầu dậy trước, biến 4 ha vườn tạp của mình thành những đồi cam sai trĩu quả.
Với thực tiễn xây dựng mô hình kinh tế vườn đồi của gia đình, những kinh nghiệm đã tích lũy học tập được, chị bắt đầu ấp ủ mong muốn vận động hội viên mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, xây dựng mô hình kinh tế vườn đồi, tích cực tham gia phát triển kinh tế.
Nghĩ là làm, chị tổ chức họp Ban Chấp hành Hội LHPN xã, phổ biến về các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh, huyện, chỉ rõ cho chị em đây chính là cơ hội mà bản thân mỗi cán bộ Hội cần thấy rõ để tiếp cận chính sách, vươn lên phát triển kinh tế, từ đó lan tỏa tinh thần mạnh mẽ cho toàn thể hội viên.
Chị nói: "Chúng ta là những người làm công tác tuyên truyền, muốn nói để người ta nghe thì cần phải hiểu biết cặn kẽ, nói có cơ sở và trước hết phải làm gương. Thấy mình làm tốt rồi thì nói người ta mới nghe, mới tin, mới làm theo".
5 năm qua chị Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Đức Lạng, đã vận động xây dựng 28 mô hình kinh tế, trong đó có 3 mô hình lớn trồng cây ăn quả tạo việc làm cho từ 2- 4 lao động, doanh thu từ 200 – 500 triệu đồng/năm; có 6 mô hình vừa; 19 mô hình nhỏ. Chị vận động, hỗ trợ thành lập 5 tổ hợp tác: chăn nuôi - làm vườn, dịch vụ nấu ăn, thu mua phế liệu gắn với phân loại rác tại nguồn... có 48 thành viên tham gia.
Đúng như mong muốn của chị, đội ngũ Chi hội trưởng là những người tiên phong, vận động chồng con tham gia đăng ký xây dựng mô hình, chị Hà đầy tự hào: "Những mô hình đầu tiên tôi vận động thành lập chủ yếu là của gia đình các chị Chi hội trưởng phụ nữ, các tổ hợp tác cũng do các chị Chi hội trưởng làm tổ trưởng, bây giờ các chị đã tạo ra thu nhập ổn định, bền vững nên đi làm công tác Hội càng hăng say hơn, vận động nhân rộng mô hình cũng dễ hơn".
Để nhân rộng các mô hình, chị lập danh sách theo thứ tự ưu tiên những gia đình có các thế mạnh để phát triển kinh tế như: có diện tích vườn đồi rộng, có khả năng tưới tiêu thuận lợi, có nguồn lao động và cần cù, chịu khó…
Đến tận các hộ gia đình để thuyết phục, vận động hội viên và chồng con mạnh dạn thay đổi tư duy, phá bỏ vườn tạp, quy hoạch phát triển kinh tế. Sau khi có danh sách các hộ đăng ký, chị tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật: Chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả có múi…; đồng thời hướng dẫn các gia đình tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Đến nay, các mô hình, tổ hợp tác do chị hỗ trợ thành lập đã phát triển hiệu quả, bền vững, mang lại nguồn thu nhập lớn cho các gia đình... Phá bỏ vườn tạp, phát triển kinh tế vườn đồi đang trở thành phong trào mạnh mẽ của chị em hội viên phụ nữ và nhân dân xã Đức Lạng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn