Đây là khóa tập huấn giảng viên nguồn lần thứ 2, nằm trong khuôn khổ dự án "Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ" do TƯ Hội LHPN Việt Nam (VWU) chủ quản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam (IOM) hỗ trợ kỹ thuật.
Tham dự khóa tập huấn này có hơn 20 cán bộ Văn phòng OSSO (Văn phòng dịch vụ Một điểm đến) ở 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hậu Giang, Cần Thơ) thuộc địa bàn triển khai Dự án. Cùng với các đại diện khách mời là cán bộ Hội LHPN TP Hà Nội, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh.
Về phía TƯ Hội LHPN Việt Nam có bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Dự án. Bà Đặng Thúy Hạnh, đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM).
Theo đó, trong khoảng thời gian 3 ngày (22, 23, 24/4), khóa tập huấn sẽ tập trung thảo luận kỹ năng tham vấn/chuyển tuyến và kết quả nghiên cứu trải nghiệm của phụ nữ di cư hồi hương do TS Lưu Thị Lịch làm giảng viên.
Các lưu ý về tài chính, lập dự toán, chứng từ, báo cáo tài chính, những vấn đề đặt ra trong quá trình vận hành Văn phòng OSSO và đề xuất cách giải quyết do đại diện của IOM, TƯ Hội LHPN Việt Nam làm giảng viên.
Kỹ năng tư vấn và làm việc với nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương thông qua kinh nghiệm của Trung tâm Tư vấn Thanh Tâm do bà Phạm Thị Thu Hương, Trưởng phòng Hôn nhân - Gia đình, Báo Phụ nữ Việt Nam, làm giảng viên.
Ngoài ra, đến với khóa tập huấn còn có đại diện của ngành Tư pháp - ông Phùng Công Vĩnh, nguyên Trưởng phòng Hành chính - Tư pháp, Sở Tư pháp TP Hải Phòng. Với vai trò là báo cáo viên, ông Phùng Công Vĩnh sẽ chia sẻ các vấn đề pháp lý thường gặp của nhóm phụ nữ di cư trở về và gợi ý cách thức giải quyết (tư vấn, giới thiệu, kết nối với các dịch vụ hỗ trợ tư pháp).
Bà Nguyễn Trương Thanh, Ban Tuyên giáo - Pháp luật, Hội LHPN TP Cần Thơ, đồng thời là nhân viên tư vấn Văn phòng OSSO Cần Thơ, cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi tham gia khóa tập huấn này. Tôi mong muốn sẽ tiếp thu được những kiến thức, kinh nghiệm để hỗ trợ một số trường hợp phụ nữ di cư hồi hương trên địa bàn mà chúng tôi đang vướng mắc".
Được biết, Cần Thơ là một trong số những địa phương có số lượng phụ nữ lấy chồng nước ngoài nhiều. "Nhưng hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu là rất ít, chủ yếu là do kinh tế gia đình khó khăn, trình độ học vấn thấp khiến cho họ gặp nhiều trở ngại trong quá trình tìm kiếm việc làm", bà Nguyễn Trương Thanh chia sẻ.
Theo số liệu thống kê của Hội LHPN TP Cần Thơ, hiện nay có khoảng 400 phụ nữ di cư trở về, trong đó số người từ Hàn Quốc trở về chiếm khoảng 25%. Hỗ trợ cho những trường hợp này, trong hơn hơn 1 năm triển khai dự án, các cán bộ Văn phòng OSSO Cần Thơ đã tiếp tư vấn - tham vấn cho 27 trường hợp (số liệu đến tháng 3/2021). Vấn đề họ đang gặp phải chủ yếu đến từ là việc ly hôn đối với người nước ngoài và làm thủ tục cho con nhập học tại Việt Nam.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã có buổi trao đổi với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh về vấn đề hỗ trợ các đối tượng phụ nữ di cư hồi hương và thăm quan mô hình "Ngôi nhà Ánh Dương" - nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới tại tỉnh Quảng Ninh.
Một số hình ảnh tại khóa tập huấn:
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn