Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Theo thống kê, chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Theo báo cáo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; 6.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4. Hộ gia đình có 1-2 nạn nhân là gần 136.000; gia đình có 3 nạn nhân nhiễm chất độc da cam là gần 7.000; có 4 nạn nhân trở lên là trên 1.200 gia đình.
Đại tá Nguyễn Bá Bồng, Trưởng ban Tổ chức - Chính sách Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cho biết: Hằng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỉ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.
Ngoài đối tương được hưởng theo chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, số còn lại là nạn nhân chất độc da cam được hưởng mức trợ cấp theo chế độ bảo trợ xã hội của người khuyết tật.
Mặc dù đã được Nhà nước, các cấp, các ngành, Hội đoàn thể quan tâm chăm sóc nhưng các nạn nhân và gia đình họ vẫn rất khó khăn và bất hạnh. Bà Nguyễn Thúy Hoàn - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình - cho biết: Hầu hết những bậc ông, bà, cha mẹ những nạn nhân này đều rất lo lắng và có nỗi niềm chung là "Khi chúng tôi mất đi, ai sẽ chăm lo cho các cháu". Bởi những gia đình này ngoài việc lo cơm áo, gạo tiền thì thường xuyên phải có ít nhất một nhân lực ở nhà chăm sóc, chưa kể đến việc các cháu mặc dù có BHYT, song việc các cháu bệnh tật ốm đau triền miên cũng tốn kém rất nhiều chi phí. Trong khi đó, mức trợ cấp bảo trợ xã hội hiện nay không chỉ đủ chi trả cho những sinh hoạt thiết yếu hàng ngày.
Bà Nguyễn Thúy Hoàn cho biết, thực tế công tác chăm sóc phục hồi chức năng, tạo việc làm cho các cháu rất khó khăn. Ngay tại Trung tâm dạy nghề, nuôi dưỡng của tỉnh Hội Thái Bình cho thấy, các cháu hầu hết trí tuệ không bình thường, việc tiếp thu kỹ năng nghề là rất khó khăn. Trung tâm đã đào tạo nhiều nghề, may, thêu, đan mây tre nhưng không duy trì được lâu, cuối cùng đành dạy các cháu làm gia công nghề gấp giấy...
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Trịnh Thị Thanh Bình, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bến Tre, cho biết: Đại đa số những hộ gia đình có nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật là hộ nghèo vì phải tập trung nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân suốt đời, ít có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo bà Bình, trẻ em là nạn nhân chất độc da cam tại Bến Tre có số lượng rất nhiều, phần lớn các em bị dị tật, dị dạng, bại não, động kinh, tâm thần… rất ít em có thể theo học, còn lại gia đình phải nuôi dưỡng, chăm sóc trong đau khổ, tuyệt vọng. Do các em không được hưởng chính sách nạn nhân chất độc da cam và chỉ được hưởng chính sách bảo trợ xã hội cho người khuyết tật, nên các em không có hồ sơ giám định kết luận là nạn nhân chất độc da cam theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mà chỉ được theo dõi, thống kê theo diện người khuyết tật.
Tại Hội thảo, các đại biểu đề nghị cơ quan chức năng tham mưu với Chính phủ ban hành bổ sung chính sách giải quyết chế độ trợ cấp thường xuyên cho nạn nhân chất độc da cam (thế hệ thứ 3, thứ 4). Bổ sung thêm quy định về việc giới thiệu khám, giám định lại, giám định bổ sung tỷ lệ tổn thương cơ thể do mắc bệnh tật mới theo danh mục bệnh tật liên quan phơi nhiễm chất độc hóa học để thực hiện việc điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp cho đối tượng. Với trẻ em bị nhiễm chất độc hóa học không tự phục được, ngoài chế độ đối với các em, cần có chế độ của người phục vụ. Cần phát triển các mô hình chăm sóc nạn nhân chất độc da cam dựa vào cộng đồng...
Tại Hội thảo, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Công ty TNHH xã hội NSG đã trao 4 suất quà cho 4 trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, mỗi suất trị giá 7 triệu đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn