Cần cải thiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi

12:36 | 29/03/2021;
Phát biểu tại phiên thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, đại biểu Châu Quỳnh Dao, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, đề xuất phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng dân cư trong việc tuyên truyền, vận động mọi người chăm lo tiếp sức cho trẻ vùng dân tộc thiểu số, miền núi đến trường; phát triển bền vững nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sáng nay (29/3), Quốc hội thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ. Quan tâm vấn đề phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Châu Quỳnh Dao, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, cho biết: Theo báo cáo, có gần 1/3 trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thiếu dinh dưỡng thể thấp còi. Con số này cao hơn gấp 2 lần so với tỷ lệ của trẻ em dân tộc kinh.

Tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp bé thì chiếm 21 % và con số này cao gấp 2,5 lần so với trẻ em dân tộc kinh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng phát triển về trí lực, khả năng học tập, ảnh hưởng đến năng suất lao động sau này.

Theo đại biểu, do đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, cho nên việc tiếp cận các dịch vụ y tế tốt nhất cũng chưa có kiến thức về chăm sóc nuôi dạy trẻ em còn hạn chế. Cạnh đó, chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn thấp. Điều này thể hiện rõ mạng lưới trường lớp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường, chế độ giáo viên được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu của thực tế.

Đặc biệt, tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp trung học cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất đáng lưu tâm. Mặc dù đã giảm theo từng năm, ví dụ như năm 2016 là tỷ lệ 1,48 % đến năm 2019 còn 1,13 % nhưng hàng năm vẫn có hàng nghìn trẻ em dân tộc thiểu số miền núi phải bỏ học và tỷ lệ này cao nhất là ở vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Theo khảo sát, đánh giá, nguyên nhân các em bỏ học do hoàn cảnh kinh tế khó khăn chiếm tới 45,5 %. Điều này dẫn đến hệ lụy, các em sẽ khó có được kiến thức, kỹ năng; dễ sa vào tệ nạn xã hội. Trong tương lai các em khó có cơ hội để tiếp cận những ngành nghề mà đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Do đó, các em sẽ có thu nhập thấp đời sống bấp bênh và từ đó sẽ tạo nên gánh nặng cho xã hội.

Xem video đại biểu Châu Quỳnh Dao, đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, phát biểu

Qua đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao đề xuất: Chính phủ cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế, cải thiện chất lượng y tế cấp huyện, cấp cơ sở vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Có cơ chế đãi ngộ lực lượng y bác sĩ công tác tại vùng này thực hiện tốt việc chăm sóc thai sản.

Đồng thời tăng cường công tác tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, nhất là nhân rộng mô hình dự án nông nghiệp dinh dưỡng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó mở rộng phát triển sản xuất, cải thiện chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ em và người lớn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần phân bổ nguồn lực hợp lý và thực hiện tốt tiểu đề án về giáo Dục Đào Tạo Trong Đề án Tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng dân cư trong việc tuyên truyền, vận động mọi người đều chăm lo tiếp sức cho trẻ đến trường…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn