Nhiều năm qua, vợ chồng ông Hòa - bà Lan (73 Hàng Than, Hà Nội) tỉ mỉ ép từng mảnh giấy, vẽ sắc màu cho những gương mặt dân gian để đưa con trẻ về với những mùa Trung thu cổ tích.
Những chiếc khuôn làm bằng xi măng do chính tay ông Hòa làm với những hình truyền thống như Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu, trâu, lợn…Đầu tiên phải xé giấy báo thật nhỏ. Sau đó, lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn dán chồng lên nhau sẽ thành hình một chiếc mặt nạ giấy bồi. Mỗi lớp giấy được kết dính với nhau bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn.Tô màu là một trong những khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ. Mỗi lần tô chỉ được tô một màu. Màu này khô thì tô tiếp màu mới. Mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được đẹp, không bị lấm lem.Những chiếc mặt nạ sau khi dán xong sẽ phải phơi khô tự nhiên mới giữ được hình dáng ban đầu. Nếu dùng máy sấy khô, mặt nạ sẽ bị biến dạng, cong vênh, khó đeo. Mỗi chiếc mặt nạ thành phẩm được bán với giá 25.000 - 35.000 đồng/chiếc.
Những chiếc mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi không thể thiếu của trẻ em Hà Nội mỗi dịp Trung thu. Tuy nhiên, nó đang đứng trước nguy cơ mai một do không còn nhiều người mặn mà với nghề này.