Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga chủ trì Trung tâm thảo luận số 5 với nội dung "Xây dựng Đảng, Xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới".
Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi, các đại biểu tập trung làm rõ những phương thức và cách làm sáng tạo để Hội LHPN Việt Nam thực hiện tốt vai trò đại diện, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới và tham gia chủ động, hiệu quả vào quá trình hội nhập của tổ chức Hội.
Đồng thời đề xuất, kiến nghị với các cấp Hội và các cơ quan liên quan nhằm thực hiện tốt hơn chức năng đại diện tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới và tham gia chủ động, hiệu quả vào quá trình hội nhập của tổ chức Hội.
Tham luận tại hội nghị này, ông Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư tỉnh ủy Sơn La, cho biết: Những năm qua, tỉnh Sơn La luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội và phong trào phụ nữ. Công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ nữ được quan tâm và từng bước đi vào nền nếp; công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ nữ, tạo điều kiện thuận lợi để chị em phát huy vai trò, năng lực.
Qua đó, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt 20,75%, trong đó có 3 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đạt 20%. Tỷ lệ nữ tham gia Ban chấp hành đảng bộ cấp huyện, cấp xã đều có sự tiến bộ…
Để thúc đẩy bình đẳng giới, tạo công bằng với phụ nữ, ông Nguyễn Hữu Đông đề xuất: Hội LHPN Việt Nam tăng cường mối quan hệ phối hợp, hợp tác với các cơ quan, tổ chức xã hội trong và ngoài nước để huy động nguồn lực, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho phụ nữ; đặc biệt là đối tượng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... nhằm thu hẹp dần khoảng cách về cơ hội và điều kiện phát triển của phụ nữ ở các vùng, miền; từng bước nâng cao tri thức và chất lượng cuộc sống của phụ nữ, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới và phát triển quê hương, đất nước.
Thảo luận tại hội nghị, bà Lê Thị Thu Hằng, Trợ lý Bộ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao), cho rằng: Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu rộng đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ở các quốc gia, khu vực và toàn cầu, khiến phụ nữ và trẻ em gái ở nhiều nơi rơi vào cảnh đói nghèo, bạo lực và bị tụt hậu về kiến thức, kỹ năng và cơ hội hòa nhập sau đại dịch. Việc các quốc gia phải tập trung phòng, chống dịch cũng phần nào làm phân tán nguồn lực dành cho công tác bình đẳng giới, làm chậm lại hơn nữa quá trình thu hẹp khoảng cách giới trên thế giới.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, khi thế giới hậu đại dịch đang chuyển mình nhanh chóng để đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, người phụ nữ đang đứng trước những vận hội lớn để không chỉ cùng hội nhập, bắt kịp, mà quan trọng hơn là đi đầu, dẫn dắt những xu hướng phát triển tích cực của thời đại. Theo đó, thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ tiếp tục là dòng chảy lớn, thu hút sự quan tâm của quốc tế, vì thế, càng mở rộng hơn nữa những cơ hội để Việt Nam tham gia đóng góp, thể hiện vai trò dẫn dắt, nòng cốt trong lĩnh vực này.
Bà Lê Thị Thu Hằng đề xuất cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Hội LHPN Việt Nam là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam. Theo đó không chỉ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ mà còn thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với những vấn đề phụ nữ quan tâm, nhất là các dự án luật, chương trình, đề án liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái và bình đẳng giới, tạo sự đồng bộ, hài hòa giữa luật pháp, chính sách trong nước và hội nhập, thực hiện các cam kết quốc tế.
Đồng thời tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa Bộ Ngoại giao với Hội LHPN Việt Nam và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong thực hiện các cam kết quốc tế về bình đẳng giới…
Kết luận nội dung thảo luận, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định những nội dung thảo luận mang tính gợi mở nhằm tăng cường hơn nữa đóng góp của Hội LHPN Việt Nam trong việc "Xây dựng Đảng, Xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới".
Đến nay, công tác phụ nữ, công tác bình đẳng giới đã có những căn cứ pháp lý đầy đủ; đặc biệt lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Trong đó có đưa ra mục tiêu chỉ tiêu hết sức cụ thể, đến năm 2025 phấn đấu 60% và đến năm 2030 có 75% cơ quan quản lý nhà nước chính quyền, tất cả các địa phương có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để có thể thực hiện công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực phụ nữ tham chính.
Cùng với đó, Chỉ thị số 35 của Ban chấp hành Trung ương cũng có nêu phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy viên là 15% trở lên và có cán bộ nữ tham gia trong ban thường vụ ở tất cả các cấp ủy Đảng; Nghị quyết 26 của Trung ương cũng đã nêu rất rõ mục tiêu đến năm 2030 có cán bộ nữ cơ cấu trong Ban thường vụ cấp ủy có tỷ lệ cấp ủy viên phấn đấu mức cao hơn; Luật bầu cử Quốc hội và HĐND cũng đã nêu là đảm bảo ít nhất 35% số người trong danh sách ứng cử để bầu đại biểu Quốc hội và HĐND là nữ.
Theo đó, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu một cách sâu sắc về những căn cứ pháp lý này đề nghị xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình như thế nào. Đặc biệt là các cấp Hội đã có ký chương trình phối hợp, quy chế phối hợp với cấp ủy các cấp, vậy nên các cấp Hội cần chủ động hơn nữa trong việc tham mưu với cấp ủy chính quyền trong việc thực hiện thúc đẩy các mục tiêu về bình đẳng giới, trong đó có các chỉ tiêu về phụ nữ tham chính…
Chủ tịch Hà Thị Nga cũng bày tỏ mong muốn "sau Đại hội, chúng ta sẽ có tâm thế mới, chủ động hơn trong việc tham mưu cho cấp ủy chính quyền trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và đi vào những vấn đề rất cụ thể. Xây dựng Đảng bằng cách xây dựng chính tổ chức Hội trong sạch vững mạnh phát huy vai trò, vị thế của tổ chức".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn