Cần có biện pháp đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp

20:11 | 12/09/2019;
Chiều 12/9, tại Thái Bình, Ban Dân vận TƯ tổ chức Hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TƯ của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới gắn với thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chủ trì Hội nghị.

ld-moi.jpg
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ (thứ 2 từ trái sang), chủ trì Hội nghị. Tham gia chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN (bên phải); Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình (thứ hai từ phải); Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận TƯ (bên trái).

 

Kế thừa thành quả từ thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, sau hơn 1 năm thực hiện, việc triển khai Chỉ thị 21 của Ban Bí thư TƯ tại khu vực đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) có khá nhiều thuận lợi và được cấp ủy các tỉnh/thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc; các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể vào cuộc đồng bộ, phát huy vai trò nòng cốt, tính tích cực, sáng tạo của các cấp Hội LHPN và tạo được những thay đổi tích cực nhất định trong công tác phụ nữ.

Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện cũng có một số vấn đề cần quan tâm, đó là: ĐBSH là vùng kinh tế phát triển nhưng tỷ lệ nữ trong lĩnh vực nông nghiệp còn cao, nhiều phụ nữ chưa có cơ hội thụ hưởng thông qua các chương trình phát triển công nghệ cao gắn với cuộc cách mạng 4.0; ô nhiễm môi trường từ chất thải của các khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề… làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của phụ nữ; bất bình đẳng giới, tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực phụ nữ, mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng nạo phá thai đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nòi giống, cuộc sống của người phụ nữ và hạnh phúc của các gia đình…

Bên cạnh đó, một vấn đề nổi cộm khác là các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSH thu hút FDI rất lớn, lao động nữ chiếm 70% trong các doanh nghiệp FDI, trong đó phần lớn là phụ nữ địa bàn nông thôn ra các đô thị làm việc. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến quản lý xã hội, tiếp cận các dịch vụ xã hội như nhà trẻ, trường học, sức khỏe sinh sản vị thành niên, an toàn cho phụ nữ, công tác tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ trong việc thực hiện quyền lợi, trách nhiệm, vấn đề nhà ở, đời sống văn hóa tinh thần, việc làm thu nhập, đào tạo nghề của phụ nữ sau tuổi 35 ở các khu công nghiệp, khu chế xuất…

img_5911.jpg
Quang cảnh Hội nghị.

 

Về công tác cán bộ nữ: Đội ngũ cán bộ là lãnh đạo chủ chốt các cấp ở khu vực tuy chưa nhiều nhưng đã có mặt ở các vị trí đứng đầu, đặc biệt đây là khu vực có số lượng nữ Bí thư Tỉnh ủy (3/7 đồng chí) và nữ Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (5/10 đồng chí) cao nhất cả nước.

Mặc dù các tỉnh/thành phố đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả nhất định trong công tác cán bộ nữ nhưng công tác cán bộ nữ vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm: Nhiều tỉnh chưa đạt chỉ tiêu về số lượng cán bộ nữ trong cấp ủy, vẫn còn đơn vị không có nữ trong cấp ủy của xã. Số cấp ủy không có nữ tham gia Ban thường vụ nhiều, không chỉ ở cấp xã, mà cả ở cấp huyện, cấp tỉnh. Nhiều tỉnh 2 nhiệm kỳ liên tiếp đều có tỷ lệ nữ cấp ủy cấp tỉnh thấp, dưới hoặc chỉ xấp xỉ 10%...

Trong nhiệm kỳ, một số nơi trong quá trình kiện toàn, bổ sung cấp ủy viên, chưa quan tâm bổ sung cấp ủy viên nữ nên tỷ lệ cấp ủy nữ giảm so với đầu nhiệm kỳ.

Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh còn thấp, còn 3 tỉnh có tỷ lệ dưới 20% (toàn quốc có 12 tỉnh); tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã không thấp hơn toàn quốc song là khu vực có 1 tỉnh có tỷ lệ nữ HĐND cấp huyện dưới 20% (toàn quốc chỉ có 2 tỉnh).

Nguồn nhân sự nữ đương nhiệm còn đủ tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ tới ở các cấp huyện và cấp tỉnh đều khá cao (cấp tỉnh 65,8% và cấp huyện là 77%), có tỉnh 100% cán bộ nữ cấp tỉnh đủ điều kiện tái cử; tỷ lệ nữ quy hoạch cấp ủy cấp tỉnh đạt trên 20%, cấp huyện và xã trên 30%, song một số tỉnh, tỷ lệ này vẫn thấp dưới 15%, nhất là ở cấp tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai đánh giá cao trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Bí thư TƯ trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu. Trưởng ban Dân vận Trung ương cũng nêu lên một số vấn đề để cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới: Tạo cơ hội để phụ nữ được bình đẳng trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm; khắc phục tình trạng định kiến giới vẫn còn tồn tại dai dẳng trong xã hội; tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ, trong đó Hội LHPN Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải chủ động, tích cực trong công tác tham mưu; có các biện pháp thúc đẩy đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền các cấp theo quy định. Mặt khác, bản thân cán bộ nữ phải tích cực, nỗ lực phấn đấu, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ.

Trưởng ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai đề nghị, ngay sau Đại hội Đảng các cấp, Hội LHPN Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải báo cáo nhanh kết quả bầu cử cho Bộ Chính trị, trong đó có tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ.

Tại Hội nghị, Trưởng ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai; Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà đã trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó đạt thành tích học tập tốt của tỉnh Thái Bình. 

img_5936.jpg
Trưởng ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai cùng các đại biểu tại Hội nghị

 

* Trước đó, buổi sáng cùng ngày, tại trụ sở Hội LHPN tỉnh Thái Bình, Thường trực Đoàn Chủ tịch Hội LHPNVN do Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì, đã có buổi làm việc với Chủ tịch Hội LHPN các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSH.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ 2 vấn đề các đại biểu cần quan tâm, thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đó là: Việc đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Bí thư TƯ ngày 20/1/2018 về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” và thực trạng vấn đề xâm hại phụ nữ, trẻ em và hoạt động của các cấp Hội trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em.

Đánh giá về kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Bí thư, các đại biểu đã đi sâu phân tích thực trạng công tác cán bộ nữ, nhất là đối với một số địa phương, công tác cán bộ nữ còn chưa đảm bảo tỷ lệ, chất lượng theo yêu cầu; nêu rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp và công tác tham mưu của các cấp Hội trong việc tạo nguồn, giới thiệu, quy hoạch nhân sự nữ cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới nhằm thực hiện thành công Chỉ thị 21 của Ban Bí thư TƯ.

Các đại biểu đều thống nhất, ở đâu người đứng đầu cấp ủy quan tâm, vào cuộc quyết liệt thì ở đó đội ngũ cán bộ nữ được tạo điều kiện phát triển. Ngược lại, ở đâu nhận thức của cấp ủy còn hạn chế, định kiến giới còn nặng nề thì ở đó, tỷ lệ cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ nữ khó đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó là công tác tham mưu của các cấp Hội; trình độ, năng lực của bản thân cán bộ nữ.

Để làm tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, giới thiệu nhân sự nữ cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới, các đại biểu cũng đã nêu lên một số kiến nghị, đề xuất đối với TƯ, cấp ủy, chính quyền các cấp…

Về tình hình xâm hại phụ nữ, trẻ em, các đại biểu thống nhất cho rằng cần coi công tác phòng ngừa là nhiệm vụ quan trọng, trong đó giáo dục gia đình là gốc rễ của vấn đề. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cá nhân người bị hại và gia đình người bị hại; phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, đấu tranh, xử lý các vụ việc; trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cho đội ngũ cán bộ Hội và nâng cao hiệu quả các địa chỉ tin cậy trong cộng đồng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn