Sáng 7/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 3 của nhiệm kỳ khóa XV tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Quan tâm đến khu vực vùng Tây Nguyên, nơi sinh sống của hơn 40 dân tộc anh em với mật độ rừng chiếm trên 50%, đặc biệt trước vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng - cho rằng, chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được tính toán thật cụ thể. Bởi thực trạng với mật độ dân số tăng cơ học, ngày càng tăng như hiện nay thì diện tích đất rừng khả năng sẽ bị thu hẹp lại.
Do đó, đại biểu Tạo cho rằng, việc phân cấp cho HDND, UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của từng địa phương, quy định cụ thể chính sách về đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn là hoàn toàn xác thực và chính xác, đảm bảo dân tộc nào, cần gì thì chúng ta có chính sách quan tâm cụ thể, nhằm phát triển đồng bộ, bền vững kinh tế xã hội địa phương.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định về hạn mức giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhằm khuyến khích các hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống, sản xuất nông nghiệp, nhận giao khoán, quản lý bảo vệ rừng, đất rừng với mục tiêu hạn chế thấp nhất tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép do thiếu đất sản xuất.
Tại Điều 17 của dự thảo Luật quy định chung về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang - cho rằng, quy định này là hoàn toàn đúng đắn và đã có nhiều các quy định mới, chặt chẽ, rõ ràng hơn nhưng chưa có sự phân biệt về vùng miền, nơi cư trú, miền núi với đồng bằng, khu vực đặc biệt khó khăn với các khu vực có trình độ phát triển cao hơn của người dân tộc thiểu số…
Do vậy, quy định này có thể dẫn đến việc không bình đẳng trong việc thực thi chính sách. Đại biểu cho rằng, nếu chỉ hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số có thể gây bất bình đẳng cho những nhóm người khác sinh sống trên cùng địa bàn, có cùng mức độ khó khăn như nhau. Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xác định cụ thể đối tượng hỗ trợ đảm bảo chặt chẽ, khả thi và được bình đẳng.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn - cho rằng, dự thảo quy định phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Tuy nhiên, để các địa phương áp dụng và có căn cứ áp dụng chính sách, đại biểu cho rằng, Thủ tướng Chính phủ cần ban hành khung chính sách rất cụ thể theo từng vùng miền để tránh trường hợp mỗi địa phương trong cùng một vùng kinh tế - xã hội tương đồng nhưng lại có cách áp dụng khác nhau, dẫn đến không thống nhất và lúng túng cho địa phương.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể chế độ, chính sách ưu tiên đối với từng đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ổn định tại địa phương và chế độ, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ địa phương khác đến, có chính sách cho đồng bào dân tộc sinh sống lâu năm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, miền núi, địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó cần quy định cụ thể thời gian sinh sống để đảm bảo công bằng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn