Theo bà Lê Hồng Liên, Quản lý chương trình của Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), hiện nay, việc tiếp cận với các nguồn lực, đào tạo trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng và dịch vụ môi trường nhìn chung chưa nhạy cảm giới. Việc phân công lao động vẫn theo truyền thống, nam giới được phân công những việc được cho là quan trọng, việc nặng, việc cộng đồng còn phụ nữ được phân công những việc được cho là việc nhẹ, hậu cần, việc nhà. "Thực tế hiện nay còn thiếu sự hiện diện của phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo của các chi cục, lâm trường, nếu có cũng chỉ ở vị trí ít quan trọng. Phụ nữ hầu như được bố trí công việc theo cảm nhận đó là giao những việc nhẹ hơn, thường là công việc trong văn phòng, vườn ươm và chăm sóc rừng trồng. Còn thiếu nguồn cán bộ nữ để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo ở ngành lâm nghiệp cũng như chưa có chính sách dựa trên đặc thù của ngành. Vì vậy, đối với lao động nữ làm các công việc như trồng rừng, tuần tra rừng… chưa được thường xuyên luân chuyển và có những chế độ đãi ngộ riêng", bà Lê Hồng Liên nhận định.
Trong lĩnh vực dịch vụ môi trường, theo bà Liên, vẫn tồn tại sự phân biệt trong phân công lao động giữa nam và nữ. Phụ nữ thường được phân công làm những việc được cho là "hợp với phụ nữ", không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao nhưng thiếu bền vững. Chưa có lớp khuyến nông, khuyến lâm nào dành cho phụ nữ. Bà Liên cho rằng, cần có giải pháp thúc đẩy phụ nữ tham gia trồng cây xanh, bảo vệ rừng.
Theo đó, cần tổ chức tập huấn và trang bị các kiến thức về giới cho cán bộ và người dân, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia các chương trình, dự án trồng và bảo vệ rừng. Những khoá tập huấn ngắn về giới cần được thường xuyên tổ chức cùng với hội nghị về các vấn đề giới nếu các vấn đề này liên quan đến các hoạt động cụ thể của một chương trình lâm nghiệp. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng cho người dân, về vai trò của phụ nữ trong quyền sử dụng đất lâm nghiệp, quy hoạch chiến lược phát triển lâm nghiệp của địa phương. Cần ưu tiên bố trí nữ giới làm các công việc như chăm sóc vườn ươm, chọn cây giống, vệ sinh sau rừng khai thác và làm cỏ.
Trên cơ sở có sự tham gia của người dân, trong đó có phụ nữ, nghiên cứu xác định cơ cấu cây trồng, mô hình canh tác có hiệu quả kinh tế cao và phù hợp điều kiện tự nhiên của địa bàn để sản xuất nông - lâm kết hợp gắn với bảo vệ, phát triển rừng. Có kế hoạch hợp lý phát triển cây đặc sản, trồng thí điểm một số loài cây có hiệu quả kinh tế cao dưới tán rừng, gắn trồng với chế biến và tiêu thụ.
"Cần thúc đẩy cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp ổn định, lâu dài cho hộ gia đình, ưu tiên đồng bào dân tộc ít người và những hộ do phụ nữ làm chủ gia đình. Thúc đẩy sự tham gia và ghi nhận nữ giới trong quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Huy động sự tham gia của phụ nữ trong các nhóm bảo vệ rừng tự nguyện như "Tổ tự quản lâm nghiệp cấp ấp" (VSFMG), "Tổ tuần tra rừng cộng đồng", bà Liên nhấn mạnh.
Bà Liên cũng đề xuất cần nâng cao năng lực cho nữ giới có khả năng tổ chức và thực hiện tốt việc xây dựng, báo cáo các thông tin giám sát rừng đến các cơ quan có liên quan; nghiên cứu để điều phối tốt việc lồng ghép giới trong các hoạt động lâm nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ môi trường rừng, lâm nghiệp cộng đồng…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn