Cần có người chịu trách nhiệm trong vụ nữ sinh Nghệ An tự tử

13:17 | 14/03/2018;
Chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an Đào Trung Hiếu cho rằng vụ nữ sinh Nghệ An tự tử nghi liên quan đến việc bị đăng clip nhạy cảm lên mạng xã hội đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, cần làm rõ và phải có người chịu trách nhiệm.

Vụ việc cháu H.T.L (SN 2001, học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tự tử dưới ao nước gần nhà và để lại bức thư tuyệt mệnh đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nguyên nhân được cho là vì em bị phát tán clip nhạy cảm lên mạng xã hội Songlamplus.vn, bị trêu chọc và bình luận ác ý nên nghĩ quẩn.

Trao đổi về vụ việc này, Trung tá, Nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu, (Chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng cần thiết phải tiến hành điều tra, xử lý hành vi đưa hình ảnh, clip riêng tư của cháu L lên mạng xã hội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

PV: Thưa Trung tá, xin ông cho biết đánh giá của mình về vụ việc cháu L. tự vẫn vì bị đưa hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội?

Chuyên gia: Trước tiên, thông qua Quý báo, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình cháu bé. Đây là một sự việc hết sức đáng tiếc và mang ý nghĩa cảnh báo xã hội sâu sắc. Một hành động ác ý hoặc thiếu suy nghĩ của người này, có thể gây ra tai họa, bất hạnh đối với người khác, gia đình khác.

6_lqkwjpg-1212.jpg
Trung tá, Nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu, Chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an.

Thông điệp rút ra từ sự việc này, là cần thận trọng khi đưa những thông tin, hình ảnh của người khác lên mạng xã hội, nhất là khi những hình ảnh đó có tính chất riêng tư, nhạy cảm, có thể xâm phạm danh dự, nhân phẩm khi chúng bị công khai hóa. Hậu quả, của sự việc này rất nghiêm trọng và cần phải có ai đó chịu trách nhiệm về nó. Tôi cho rằng cần có một cuộc điều tra, làm rõ sự việc và xử lý nghiêm những người có liên quan đến cái chết của cháu L. dù là vô tình hay hữu ý.

PV: Trung tá có thể phân tích tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với danh dự, nhân phẩm con người, khi những hình ảnh nhạy cảm, riêng tư bị phát tán? Đặc biệt là đối với giới trẻ, những phản ứng tâm lý nào có thể xảy ra khi chủ nhân của hình ảnh nhạy cảm phát hiện ra mình đang “nóng” trên mạng?

Chuyên gia: Không thể phủ nhận những ứng dụng tuyệt vời của mạng xã hội trong đời sống hiện nay. Trong đó khả năng cập nhật thông tin, liên kết xã hội là những tính năng ưu việt nhất mà công cụ này đem lại cho con người. Thế giới phẳng bởi mạng xã hội, con người khắp thế giới có thể chia sẻ mối quan tâm của mình đối với mọi chuyện trong đời sống.

Tuy nhiên, mặt trái của khả năng này chính là việc những thông tin, hình ảnh đã được đưa lên mạng, có khả năng phát tán, lây lan không thể kiểm soát, ngăn chặn, cùng với nó là phản ứng của cộng đồng mạng thông qua những bình luận, nhận xét. Trường hợp thông tin đưa được lên mạng có tính chất riêng tư, nhạy cảm hoặc bất lợi với một cá nhân nào đó, thì đây thực sự là một hiểm họa đối với uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ.

Chẳng hạn trong sự việc trên, sau khi trang mạng xã hội Songlamplus.vn đăng tải, xuất bản video trên với tựa đề "Video học sinh cấp 3 Nghệ An bình thản hôn nhau trên lớp học", trang facebook Nghệ An - trang có hơn 1,2 triệu tài khoản facebook theo dõi đăng đường link video trên ở trang Songlamplus.vn, thì hình ảnh nhạy cảm được cho là của cháu L. đã lan truyền không thể kiểm soát.

nu-sinh-tu-tu_nwfo.png
Hình ảnh được cho là nhạy cảm giữa em L. và một bạn nam cùng lớp đăng tải trên mạng.

Những thông tin, hình ảnh nhạy cảm, riêng tư của người khác, luôn thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Với tính năng tương tác trực tiếp thông qua các comment (bình luận), người sử dụng mạng xã hội có thể bày tỏ quan điểm, nhận xét của mình đối với những thứ nhìn thấy.

Trên thế giới ảo, người ta thường vô trách nhiệm trước những phát ngôn của mình, tha hồ đưa ra những nhận xét theo ý thích hoặc theo nhận thức, quan điểm, cách nghĩ của mình, không cần biết điều ấy tác động thế nào đối với chủ nhân của hình ảnh đó và phản ứng của cộng đồng mạng cũng có tính lây lan.

Tâm lý đám đông được biểu hiện rõ nhất trước những thông tin, hình ảnh có tính chất “sốc -sex- sến” của người khác. Hiện tượng “ném đá” trên mạng diễn ra hàng ngày. Hình như việc chê bai, giễu cợt, chửi bới người khác… là hành vi thư giãn, xả stress của không ít người chơi mạng xã hội. Khi người ta phê phán, giễu cợt ai đó, cảm giác của người phán xét giúp họ tìm thấy giá trị xã hội của mình.

Đương nhiên, phản ứng của cộng đồng tất yếu gây ra những sang chấn tâm lý của người có hình ảnh nhạy cảm bị phát tán. Đó có thể là sự xấu hổ, giận dữ, lo lắng, buồn phiền, bất an, tuyệt vọng.

Tùy thuộc đặc điểm tâm lý cá nhân, khí chất, kinh nghiệm sống, ý thức, trình độ nhận thức, nghề nghiệp, đẳng cấp xã hội… của từng người mà những biểu hiện tâm lý này có sự khác nhau về mức độ.

Những người từng trải, dạn dĩ với cuộc sống, thường có tâm thế vững vàng hơn khi đối diện với những thứ bất lợi đang xảy ra với mình.

Nhưng với người trẻ thì khác, ở độ tuổi thanh thiếu niên, họ chưa có sự phát triển đầy đủ về thể chất và trí tuệ, kinh nghiệm sống chưa nhiều, chưa quen với áp lực, khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi chưa cao… nên nhiều người không giữ được sự bình tĩnh và khả năng  suy xét cần thiết.

Hiện tượng “cường điệu hóa” các nguy cơ, gia tăng áp lực lên chính bản thân mình…thường diễn ra, khiến người trẻ dễ lâm vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, biểu hiện ở cảm giác tuyệt vọng, bế tắc, bi quan, chán nản cao độ…khi thấy danh dự của bản thân đang bị “giày vò” trên mạng.

Từ sự chấn động tâm lý, nhiều người trẻ chọn cách giải quyết không đúng đắn. Việc nghĩ quẩn, tìm đến cái chết như một sự giải thoát khỏi bế tắc… (như nạn nhân trong sự việc này) không phải là cá biệt. Đã từng xảy ra những vụ việc tương tự.

PV: Vậy trong trường hợp con em mình phát tán hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội, các bậc phụ huynh cần làm gì để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra?

Chuyên gia: Trong tình huống con em mình bị phát tán hình ảnh nhạy cảm trên mạng, kỹ năng xử lý khủng hoảng của cha mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng để giữ cho sự việc không tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.

Trước hết đó là thái độ khi tiếp cận sự việc: Cần nhớ trẻ rất dễ bị chấn động, kích động khi hình ảnh, danh dự của mình bị xâm hại trên môi trường mạng. Để trẻ bình tĩnh trở lại, trước tiên cha mẹ cần hạ thấp tính chất nghiêm trọng của câu chuyện, chứ đừng làm ngược bằng việc mắng mỏ con cái, vì điều này càng đẩy trẻ vào trạng thái tuyệt vọng do hết nơi bấu víu, nương tựa.

29025783_757927514411683_4238482192520445952_n.jpg
Khu vực nơi phát hiện em L. tự tử và để lại thư tuyệt mệnh.

Hãy nói với trẻ chuyện ấy là bình thường và có rất nhiều cách tháo gỡ. Hãy cho chúng niềm tin rằng mọi việc rồi cũng qua, không ai có thể nhớ mãi chuyện chẳng liên quan đến mình. Tiếp theo, chủ động bàn với trẻ về cách tháo gỡ. Khéo léo lôi trẻ ra khỏi câu chuyện bằng cách cho trẻ tham gia vào việc tham mưu, đề xuất cách giải quyết sự việc.

Hãy trò chuyện thật nhiều với trẻ, nói về mục đích cuộc sống, về tương lai, thay đổi từng bước trong cách tiếp cận của trẻ với sự việc, nhấn mạnh những thử thách trong cuộc sống giúp tôi luyện bản lĩnh con người, cần biến tai họa thành cơ hội để rèn luyện, trưởng thành hơn.

Trong quá trình này, cần theo dõi sát sao các biểu hiện tâm lý, hoạt động của trẻ, để tránh những cơn kích động bất ngờ. Nên dành nhiều thời gian cho trẻ, có thể tách chúng ra khỏi công việc, học tập, đưa đi chơi vài ngày cho khuây khỏa. Đặc biệt, cần chủ động cách ly trẻ với mạng xã hội trong thời điểm nhạy cảm, để cảm xúc tiêu cực lắng xuống.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần chủ động triển khai các việc làm cần thiết bảo vệ con em mình. Có thể làm đơn đề nghị cơ quan chức năng xác minh, xử lý cá nhân, tổ chức đã có hành vi xâm hại danh dự, nhân phẩm con em mình, yêu cầu khắc phục hậu quả, có những việc làm cụ thể để giảm nhẹ hậu quả tác hại.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trước đó, như PNVN đã đưa tin, vào đêm 10/3, gia đình em Hồ Thị L. (học sinh lớp 11), trú tại xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) thấy con đi ra ngoài và không trở về, gọi điện thoại cũng không liên lạc được nên tổ chức đi tìm kiếm nhưng không thấy.

Đến sáng 11/3, một số người dân khi đi qua hồ nước thuộc xóm Nam Tiến, xã An Hòa phát hiện một thi thể nổi lên mặt nước nên đã tiến hành trục vớt và báo cáo với cơ quan chức năn. Nạn nhân sau đó được xác định là em Hồ Thị L.

Theo người nhà nạn nhân, trước đó em L. không có biểu hiện gì bất thường và có thể nguyên nhân dẫn đến việc em L. tự tử là do bị đăng clip không đúng sự thật trên mạng xã hội. 

Cũng vô cùng bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của của em L. một giáo viên của em L. chia sẻ: “Ngày 8/3 vừa qua, nhà trường tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ nên có cho phép học sinh đưa điện thoại đến lớp học. Tại lớp học của em L., trong lúc vui đùa, các em đã thách thức học sinh nam hôn học sinh nữ dẫn đến hành động như trong clip. Sau đó, trang mạng xã hội Songlamplus đăng tải, xuất bản video trên với tựa đề "Video học sinh cấp 3 Nghệ An bình thản hôn nhau trên lớp học". Rồi trang facebook Nghệ An - trang có hơn 1,2 triệu tài khoản facebook theo dõi đăng đường link video trên ở trang Songlamplus.vn”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn