Sáng 20/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, cho rằng: Bối cảnh hiện nay, khi quyền của phụ huynh và học sinh đang được đề cao, dường như quyền của nhà giáo đang bị xem nhẹ, đặc biệt là quyền để bảo vệ nhân phẩm và danh dự của mình, cụ thể hơn là quyền bảo vệ nhân phẩm và danh dự trên không gian mạng. Vì vậy, đại biểu ủng hộ điều khoản quy định những việc tổ chức cá nhân không được làm đối với nhà giáo để nhấn mạnh và tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện, nhằm bảo vệ nhà giáo.
Tại Điều 11 quy định tổ chức, cá nhân không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo. Quy định này không vướng với các quy định về phát ngôn hay có bất cứ yếu tố nào để bênh vực nhà giáo mà thực chất sẽ bảo vệ hình ảnh nhà giáo. Quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo nhất là trong bối cảnh các mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Mặt khác, theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, tại khoản 3 Điều 10 đã quy định giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định quy tắc ứng xử của nhà giáo nhưng cần rà soát quy định tại các điều, khoản khác để làm rõ hơn các quy định của nhà giáo, tính nêu gương của nhà giáo. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo trước các hành vi, bạo lực xúc phạm nhà giáo đến từ học sinh, phụ huynh. Các chế tài xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo cần cụ thể và rõ ràng hơn.
Cũng quan tâm tới việc bảo vệ nhà giáo, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, cho biết: Dự án Luật Nhà giáo cần có quy định bảo vệ nhà giáo để họ an tâm công tác, cống hiến hiệu quả trong giảng dạy. Điều này cũng góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường và những yếu tố khác... Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, nhà giáo cần được đảm bảo môi trường an toàn trong hoạt động nghề nghiệp. Bên cạnh những quy định của dự thảo Luật về quyền nhà giáo được thể hiện trong hoạt động nghề nghiệp, tại báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Luật phân tích các quy định hiện hành đối với nhà giáo chỉ đề cập đến việc cấm nhà giáo thực hiện mà chưa có những quy định về việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức ngoài nhà trường không được làm đối với giáo viên.
Điều 11, dự thảo Luật Nhà giáo quy định "Những việc không được làm"; trong đó nhà giáo không được làm: Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức; Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học; Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; Ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật; Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo, trong đó quy định: không công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo";
Theo đại biểu, báo cáo cũng thiếu các quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp; thiếu các chính sách để xây dựng môi trường làm việc an toàn để nhà giáo an tâm công tác cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, tránh những can thiệp tiêu cực, thậm chí là xúc phạm nhà giáo trong các hoạt động nghề nghiệp như một số vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin đối với gia đình và học sinh; làm gia tăng tình trạng lệch chuẩn trong nhà trường, gia tăng bạo lực học đường, gia tăng và phát sinh những căn bệnh xã hội đối với tuổi học trò.
Do đó, cần bổ sung những quy định về quyền nhà giáo trước những tác động của cá nhân, tổ chức, cơ quan trong và ngoài nhà trường.
Quan tâm tới quy định những việc không được làm đối với nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, bày tỏ nhất trí với việc không được lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo, gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, danh dự và nhân phẩm của nhà giáo. Tuy nhiên, cần xem xét lại việc không công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo.
Theo đại biểu Nga, hoạt động của nhà giáo không phải bí mật quốc gia; nhà giáo cũng như mọi công dân trong mọi lĩnh vực khác của xã hội nên trong quá trình hoạt động phải tuân thủ mọi quy định pháp luật và phải chịu sự giám sát của nhân dân, của phụ huynh và của cả học sinh về hoạt động của mình.
Nếu nhà giáo sai phạm thì người dân có quyền phản ánh; trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các cơ quan thông tấn, báo chí có quyền đưa tin cũng là một hình thức công khai trước dư luận. Đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật là không phù hợp với các quy chế, quy định của pháp luật và dễ gây dư luận trái chiều.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn