Phát biểu tại hội thảo tham vấn lần 2 báo cáo nghiên cứu thực tiễn áp dụng phương pháp, khung đánh giá và chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng (chỉ số PACA) trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh ở Việt Nam do TTCP phối hợp với Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức sáng 28/3, ông Phí Ngọc Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (TTCP) những nội dung trong bộ tiêu chí đánh giá chỉ số chưa thật rõ và cụ thể.
Do đó, ông Tuyến cho biết tổ công tác của TTCP sẽ tiếp tục rà soát, khảo sát, lắng nghe ý kiến cụ thể từ các địa phương, đơn vị, để làm sao khi đánh giá về phòng chống tham nhũng có sự gần nhau giữa đánh giá của cấp tỉnh và tổ công tác, sự chênh nhau ít đi ở tất cả các tiêu chí.
Theo báo cáo tại hội thảo, qua đánh giá kết quả chỉ số PACA năm 2016 cho thấy, điểm trung bình quân toàn quốc do địa phương đánh giá là 71,68 điểm và điểm do Thanh tra Chính phủ chấm và đánh giá lại là 58,37, chênh lệch 13,31 điểm, tương tự PACA năm 2017 là 67,33 và 60,67 điểm. Như vậy, điểm công tác phòng chống tham nhũng giữa các địa phương không đồng đều và có khoảng cách khá xa. Nguyên nhân là do với hệ thống tài liệu, hồ sơ chưa đầy đủ, nguồn nhân lực thực thi chưa được đào tạo, cần có bước đi phù hợp với thực tiễn nên vẫn có những hạn chế nhất định trong đánh giá.
Bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam cho hay, PACA là một công cụ đánh giá đo lường thể hiện những nỗ lực của các cơ quan, cấp tỉnh trong đánh giá phòng chống tham nhũng, phát hiện ra những hành vi tham nhũng và các chế tài xử lý hành vi tham nhũng. Nỗ lực này cho thấy những cam kết thực hiện của Chính phủ Việt Nam ngày một nâng cao hơn nữa tính minh bạch.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, thực hiện chỉ số PACA là hướng đi đúng đắn thích hợp, tuy còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện, kết quả sẽ có giá trị tốt cho công cuộc xây dựng xã hội phát triển ổn định, lành mạnh, không tham nhũng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đề xuất phải làm sao để đánh giá này có sự tham gia của nhiều đơn vị, đa chiều hơn trong xã hội để tạo độ chính xác cao hơn và lan tỏa hơn. Ngoài ra, bộ chỉ số cần có sự thay đổi linh hoạt hàng năm đối với một số tiêu chí thành phần và có cấu trúc linh hoạt hơn để cấp tỉnh có thể sử dụng làm chỉ số đánh giá phòng chống tham nhũng cấp quận, huyện.
Được biết đây là năm thứ 3 TTCP tổ chức thực hiện đánh giá việc phòng chống tham nhũng cấp tỉnh. Trước đó, trong 2 năm 2016 và 2017, đánh giá cơ bản phòng chống tham nhũng cấp tỉnh đã đạt được kết quả khả quan, được cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn. Một số tiêu chí khác như chỉ đạo điều hành, ban hành văn bản, kế hoạch... cũng được thực hiện tích cực.