Cần đảm bảo quan điểm giới trong các chính sách kỹ thuật số quốc gia

15:05 | 31/03/2023;
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động nữ tại Việt Nam đang chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ, cao hơn so với thế giới (25%). Tuy nhiên, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các vị trí như thử nghiệm, marketing, bán hàng, hành chính và nhân sự, hơn là các vai trò kỹ thuật như nhân viên phát triển phần mềm.

Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis cho biết, tại Việt Nam, số lượng học sinh, sinh viên nam trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) lớn hơn so với nữ. Chỉ có 36% sinh viên tốt nghiệp đại học là nữ làm việc trong lĩnh vực STEM. 78% sinh viên theo học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội là nam giới. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, bản thân giáo viên, học sinh, sinh viên nữ còn có những thành kiến văn hóa về khả năng phù hợp của bản thân với lĩnh vực STEM.

Theo ILO, có nhiều lý do dẫn đến việc tỉ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này còn hạn chế, như còn thiếu các chính sách và chương trình thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ; vẫn còn định kiến giới về phụ nữ và công nghệ.

Thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp có mức độ bình đẳng giới cao hơn sẽ hoạt động hiệu quả hơn về mặt tài chính. Tăng cường sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực công nghệ giúp tạo ra nhiều giải pháp đột phá hơn và tăng cường đổi mới sáng tạo, từ đó đáp ứng nhu cầu của nữ giới, thúc đẩy bình đẳng giới.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khẳng định: "Việc nâng cao nhận thức về các cơ hội giáo dục và xoá bỏ khuôn mẫu giới trong chương trình giảng dạy, thay đổi các kỳ vọng về khuôn mẫu giới trong nghề nghiệp… được xem là "chìa khoá" để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chuyển đổi số. 

Trang bị cho phụ nữ các kỹ năng và hỗ trợ họ chuyển đổi sang các hình thức việc làm liên quan đến kỹ thuật số là rất quan trọng để đảm bảo rằng phụ nữ không bị bỏ lại phía sau".

Để giải quyết vấn đề này, bà Pauline Tamaris, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh: "Liên hợp quốc tại Việt Nam đưa ra một số đề xuất như cần đảm bảo quan điểm giới trong các chính sách quốc gia về kỹ thuật và phân bổ nguồn lực để thực hiện đầy đủ; 

tăng cường giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái; dự đoán nhu cầu công việc và kỹ năng cần có trong tương lai; tăng cường thu thập dữ liệu và giải quyết bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến".

Còn bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam, cho biết, trong bối cảnh này, UN Women đưa ra một số đề xuất: 

Thứ nhất, phải đảm bảo các quan điểm về giới trong các chính sách kỹ thuật số quốc gia và sửa đổi với các chỉ số, mục tiêu cụ thể về giới, có giới hạn thời gian và phân bổ nguồn lực để thực hiện đầy đủ. 

Thứ hai, chính phủ và tất cả các bên cần tăng cường và thúc đẩy hơn nữa giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái, nhất là về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. 

Thứ ba, để giảm các tác động bất lợi, mang tính giới của quá trình số hóa, cần dự báo và đón đầu nhu cầu việc làm, kỹ năng cần có cho phụ nữ trong tương lai. 

Thứ tư, để cung cấp thông tin cho các chính sách đáp ứng giới, chính phủ cần tăng cường thu thập dữ liệu để hiểu rõ hơn về các khía cạnh đầy đủ của giới liên quan đến đổi mới và công nghệ; đồng thời giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến. Vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến cũng cần được đưa vào các luật liên quan.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn