Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các phong trào khuyến học

12:40 | 01/12/2020;
294 gia đình, dòng họ, cộng đồng có mô hình học tập tiêu biểu đã được tôn vinh tại Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức vào sáng 1/12, tại Hà Nội.

Biểu dương gần 300  mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tham dự Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc

Tham dự Đại hội biểu dương có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung…

Phát biểu khai mạc Đại hội, GS TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết, 7 năm qua, gồm 2 năm thí điểm và 5 năm triển khai đại trà Đề án đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020 theo Quyết định số 281/QĐ-TTg 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ, với tâm huyết, tấm lòng của cán bộ, hội viên Hội Khuyến học với sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao của hệ thống lãnh đạo các tỉnh, thành phố đề án đã có những kết quả tích cực.

Trong đó, có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa hội với các bộ ban ngành; sự đồng thuận và tham gia tích cực của các gia đình, dòng họ, cộng đồng và các đơn học tập cấp xã, với sự ủng hộ của các doanh nghiệp, phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đã có sự lan tỏa lớn, các giá trị cốt lõi của sự học đã được phát huy.

Biểu dương gần 300  mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc - Ảnh 2.

GS TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, phát biểu khai mạc.

Qua phong trào học tập và xây dựng các mô hình học tập với các tiêu chí cụ thể đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu xuất sắc rất đáng khâm phục. Từ tinh thần học tập nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh mà kinh tế gia đình phát triển, góp phần nâng cao đời sống ổn định xã hội, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của địa phương và đất nước trong 5 năm qua.

294 đại biểu, đại diện cho 16.635.366 gia đình, 84.785 dòng họ, 89.048 cộng đồng và 48.641 đơn vị học tập được bầu chọn từ cơ sở. Theo thống kê của ban tổ chức Đại hội, đại biểu cao tuổi nhất là 86 tuổi, trẻ nhất dưới 30 tuổi, đại biểu nữ chiếm 27%, đại biểu là dân tộc thiểu số chiếm 10% gồm các dân tộc Tày, Nùng, Dao, H'Mông, Mường, Thái, Vân Kiêu, Bana, Jrai, Chăm, Hà Nhì…


Biểu dương gần 300  mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự đại hội.

Tính đến tháng 9/2020, tỷ lệ gia đình học tập đạt 72,77% so với tổng số gia đình trong cả nước, tỷ lệ dòng họ học tập đạt 66,51% số chi tộc trong cả nước, tỷ lệ cộng đồng học tập đạt 65,38% số thôn bản, tổ dân phố đơn vị học tập đạt 85,73% số cơ quan, công sở, trường học, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ… do cấp xã quản lý.

Tiêu biểu có ông Trần Đại Nghĩa (Thái Bình) là người tự học thành tài, sáng chế ra máy cấy lúa không dùng động cơ. Ông Nguyễn Như Lĩnh (Thái Bình) sáng chế ra máy thái rau phục vụ chăn nuôi gia sức, đạt năng suất cao, đem lại hiệu quả kinh tế, được áp dụng rộng rãi trong sản xuất, chăn nuôi.

Gia đình KPă Vương (xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) có 5/6 con tốt nghiệp đại học. Bản thân ông tuy đã về hưu nhưng đã phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên mở trên 10 lớp với 600 học viên theo học tiếng Ê đê, thời gian 6 tháng/lớp cho cán bộ, công chức, viên chức trên toàn tỉnh. Năm 2017, gia đình hiến 3.000 m2 đất để xây dựng trường mầm non của xã…

Biểu dương gần 300  mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việc học cần điều chỉnh, là thực học, học những gì cần nhất cho cuộc sống, học những gì thiết thực cho tương lai

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao truyền thống học tập của đất nước ta, trong đó nổi bật là phong trào khuyến học, các mô hình học tập tiêu biểu của các gia đình, dòng tộc, cộng đồng.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, truyền thống hiếu học và khoa bảng của Việt Nam rất đáng quý nhưng nếu không điều chỉnh thì thiên về chủ nghĩa bằng cấp. Chính vì vậy, trong nhà trường và xã hội cần điều chỉnh, học những gì cần nhất cho cuộc sống, học những gì thiết thực nhất để chuẩn bị cho tương lai.

Biểu dương gần 300  mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc - Ảnh 5.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao bằng khen cho các đại biểu.

Việc điều chỉnh tiếp theo là việc dạy và học cần phải tiếp thu hai chiều, cần biết đặt câu hỏi ngược lại, biết bày tỏ ý kiến của mình. Trong các phong trào khuyến học, người dân có thể tham gia học và dạy học, chia sẻ những điều mình biết với người khác.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý hội khuyến học, các gia đình cần cho con tham gia các hoạt động lao động, vệ sinh trường lớp để con phát triển toàn diện. Đặc biệt, ở thời đại 4.0, tri thức càng chia sẻ thì càng có giá trị. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ trong trường học mà trong cả phong trào khuyến học.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn