Ngày 7/6/2024, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam phối hợp với CLB Di sản Áo dài Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức tọa đàm Nếp áo thanh xuân. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam, tọa đàm được tổ chức với mong muốn lan tỏa các giá trị của áo dài, tiến tới để trang phục này trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; góp phần xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Đặng Thị Bích Liên - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch danh dự CLB Di sản Áo dài Việt Nam - cho biết, lúc đương nhiệm, bà luôn mặc áo dài trong những dịp quan trọng. Đặc biệt, thời kỳ là thành viên đoàn Việt Nam dự các cuộc họp Đại hội đồng UNESCO xét các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, trong hành trang của bà không bao giờ thiếu tà áo dài.
"Mỗi lần bảo vệ di sản của Việt Nam trước Đại hội đồng UNESCO, tôi lại mặc một bộ áo dài có thương hiệu trong nước. Khi di sản Việt Nam được ghi danh, máy quay sẽ lập tức hướng về tôi cùng đoàn Việt Nam và ngay sau đó hình ảnh chiếc áo dài được lan tỏa khắp năm châu bốn biển", bà Đặng Thị Bích Liên nói.
Theo bà Đặng Thị Bích Liên: "Áo dài là hồn cốt, phong cách, khí chất của người Việt Nam. Cứ nói đến áo dài là nói đến Việt Nam, tôi mong rằng chúng ta sẽ tiếp bước, tự hào với trang phục truyền thống của dân tộc".
Cũng tại tọa đàm Nếp áo thanh xuân, GS.TS. Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho rằng: Chiếc áo dài có hàng nghìn năm hình thành, phát triển, với những kết quả nghiên cứu hình ảnh trên trống đồng Đông Sơn, trong tranh dân gian Đông Hồ… Các nghiên cứu cho thấy áo dài Việt Nam sánh ngang kimono, hanbok, kiêu hãnh trên các đấu trường nhan sắc thế giới.
"Hình ảnh tà áo dài là nguồn cảm hứng, vừa là sản phẩm sáng tạo, liên kết với các ngành thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch văn hóa; góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong cuộc sống đương đại. Áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, những quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam", GS.TS Từ Thị Loan nhấn mạnh.
Theo GS.TS Từ Thị Loan, để áo dài ngày càng phát huy giá trị trong đời sống đương đại, cần đẩy mạnh văn hóa mặc áo dài, tôn vinh, quảng bá rộng rãi trang phục này. Đồng quan điểm đó, TS. Đặng Thị Bích Liên cho rằng, cần có nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, tôn vinh và phổ cập áo dài trong đời sống, trước mắt là đưa vào trường học, trở thành đồng phục cho học sinh. Bên cạnh đó, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng bằng việc lồng ghép nhiều hơn ở các sự kiện quảng bá du lịch, thể thao, thời trang, thiết kế, âm nhạc, thi ca…
Chương trình Nếp áo thanh xuân là một hoạt động trong mạng lưới Di sản kết nối do CLB Di sản Áo dài Việt nam điều hành dưới sự bảo trợ của Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản văn hóa Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là tài trợ áo dài cho các em học sinh lớp 12 và giáo viên nữ của các trường vùng khó khăn.
"Chúng tôi mong muốn lan tỏa tình yêu dành cho các giá trị di sản văn hóa của dân tộc tới thế hệ trẻ. Nếp áo thanh xuân là nếp văn hóa của quê hương - nơi các bạn trẻ sinh ra, lớn lên, học tập và trưởng thành; Nếp áo thanh xuân sẽ theo các bạn vào giảng đường Đại học hay bắt đầu hành trình lập nghiệp, và cùng với thời gian sẽ trở thành di sản ký ức tươi đẹp của một thời tuổi trẻ", Chủ tịch CLB Di sản Áo dài Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ.
Đồng thời với tọa đàm Nếp áo thanh xuân, chương trình đã trao tặng 204 bộ áo dài cho trường THPT Tương Dương, Nghệ An; 206 bộ cho trường THPT Tân Sơn, Phú Thọ; 139 bộ cho trường THPT Cẩm Thủy 2, Thanh Hóa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn