Cần điều kiện gì để đặc sản Nam bộ chiếm lĩnh thị trường Hà Nội?

17:26 | 30/09/2019;
Thị trường Hà Nội có nhu cầu tiêu thụ lượng lớn nông sản, trái cây, thủy sản, trong khi khả năng tự cung ứng trong khu vực chỉ được 35% nhu cầu trái cây, 5% thủy sản… Đây chính là cơ hội lớn cho các mặt hàng nông, thủy hải sản, đặc sản của các tỉnh khu vực phía Nam mở rộng kết nối cung cầu, chiếm lĩnh, mở rộng thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Diễn đàn “Kết nối tiêu thụ nông sản Nam bộ tại Hà Nội”. Theo Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, hiện nay, các tỉnh phía Nam đã hình thành các vùng cây ăn quả như thanh long, chuối, dứa, xoài… Đơn cử, diện tích trồng chuối tại khu vực này là 78,4 nghìn ha, bằng 54,1% diện tích cả nước; diện tích trồng cam đạt 97,66 nghìn ha; diện tích trồng bưởi đạt 85,2 nghìn ha. Miền Nam cũng là vùng trồng xoài trọng điểm của cả nước, chiếm 81% diện tích và 92% sản lượng… 

Tuy vậy, theo các chuyên gia đánh giá, sức cạnh tranh một số sản phẩm còn ở mức thấp, thị trường tiêu thụ chưa nhiều và không ổn định, chưa hình thành được liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, năng lực và tài chính còn hạn chế. Ứng dụng công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là ứng dụng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Tử Hải, Phó trưởng phòng Cây công nghiệp - cây ăn quả (Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT), cho biết: Mặc dù rất có tiềm năng về trái cây, thủy sản, nhưng thực tế hiện nay,  hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp, thiếu vắng các doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, xuất khẩu, chuỗi giá trị trái cây còn nhiều khâu trung gian, chủ yếu là thương lái, chưa hợp lý về phân chia lợi nhuận.

 

Sức cạnh tranh của trái cây, đặc sản địa phương của các tỉnh Nam bộ còn chưa cao. Ảnh minh họa

Hà Nội với dân số khoảng 10 triệu người đang là thị trường còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển, tiêu thụ các mặt hàng trái cây của Nam bộ. Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhận định: Xu hướng tiêu dùng đối với nông sản, trái cây nói chung của người tiêu dùng thủ đô là chuộng nông sản, trái cây trong nước sản xuất với chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; đặc biệt là các loại đặc sản địa phương đã nổi tiếng như: Cam xoàn, xoài cát Hòa Lộc, quýt hồng Lai Vung, bưởi da xanh Năm Roi….

Các loại nông sản thực phẩm được sản xuất trong khu vực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; cụ thể trái cây mới đáp ứng 35% nhu cầu, thủy sản là 5%. Đặc biệt, Hà Nội có 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ, trên 1.000 cửa hàng tiện ích, 798 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn được cấp biển nhận diện. Đây là “cửa ngõ” để trái cây, sản phẩm đặc sản của Nam bộ xâm nhập mạnh vào thị trường Hà Nội.

Mặc dù vậy, các đặc sản Nam bộ vẫn chưa khai thác được triệt để cơ hội mở rộng thị trường. Thực tế cho thấy, việc khai thác tiêu thụ nông sản, trái cây Nam bộ tại thị trường Hà Nội hiện nay qua các kênh siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, trong đó kênh thương lái vẫn chiếm tỷ trọng lớn nên chưa quảng bá tốt được thương hiệu.

Đặc biệt, theo bà Lan, vấn đề truy xuất nguồn gốc vẫn chưa được bà con chú trọng; logistics hạn chế khiến tăng chi phí sản phẩm. Đồng thời, chi phí vận chuyển cao khiến giá bán sản phẩm tăng, giảm sức mua của người tiêu dùng.

 

Các nhà vườn Nam bộ phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đồng thời đa dạng hình thức xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường. Ảnh minh họa

 

Để khắc phục những hạn chế, khai thác hết tiềm năng thế mạnh của đặc sản Nam bộ, theo bà Trần Thị Phương Lan, bản thân các nhà vườn Nam bộ phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đồng thời đa dạng hình thức xúc tiến thương mại. Cần phải đặt uy tín lên hàng đầu, duy trì cung ứng sản phẩm chất lượng, quan tâm đến công tác truyền thông, tránh cung ứng sản phẩm chất lượng kém trà trộn làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm.

Sản phẩm phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí để có thể đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại một cách bền vững. Bao bì phải thân thiện với môi trường. Đáng chú ý, việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cần nhấn mạnh đến sự khác biệt để người tiêu dùng có thể biết đến và lựa chọn…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn