Cần giải pháp cụ thể giải quyết các vấn đề cấp thiết của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

15:19 | 10/10/2022;
Thảo luận tại phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, hiện nay việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn thách thức; cần có những giải pháp cụ thể, cấp thiết để giải quyết các vấn đề ở khu vực này.

Sáng nay (10/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 16 (sẽ diễn ra trong thời gian 3 ngày) để xem xét 11 nội dung, cho ý kiến bằng văn bản 3 nội dung khác.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp này chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoã XV, xem xét cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách năm 2022; dự kiến mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023;  trong đó có nội dung phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu.

Đồng thời cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Ban Dân nguyện về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.  Một số nội dung Chính phủ đề xuất bổ sung như việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, kết quả về công tác thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa hỗ trợ cho người dân, cho doanh nghiệp và phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh và ứng xử đối với thời hạn của Nghị quyết này...

Trong phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Kỳ họp thứ 4 và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cần giải pháp cụ thể đảm bảo an sinh vùng dân tộc miền núi, hải đảo

Tham gia đóng góp ý kiến vào Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị bổ sung, cập nhật số liệu về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng báo dân tộc thiểu số, miền núi.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, qua khảo sát thực tế, phản ánh của cử tri, hiện nay việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay nhiều xã ở vùng khó khăn lại chưa thuộc diện hỗ trợ bảo hiểm y tế, dẫn tới tỷ lệ được hỗ trợ bảo hiểm y tế giảm xuống. Tuy địa phương đạt tiêu chí nông thôn mới nhưng đời sống người dân chưa được nâng cao, chưa thoát nghèo. Cơ sở hạ tầng có nhiều yếu tố cần xem xét đánh giá thêm…

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho biết, ở các địa phương miền núi còn có tình trạng thiếu giáo viên, để thực sự đạt yêu cầu về chất lượng, số lượng thì cần đầu tư bổ sung thêm. 

Ngoài ra, ở vùng biên giới có tình trạng thanh niên di chuyển xa khỏi nơi cư trú, để làm việc tại các khu công nghiệp, đô thị, để lại khoảng trống tương đối lớn ở địa phương, khó đáp ứng được nguồn lao động tại chỗ, cũng làm ảnh hưởng đến an ninh và tình hình phát triển kinh tế tại các khu vực này. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị bổ sung nội dung này trong báo cáo để từ đó đề xuất giải pháp cụ thể thu hút đầu thư, tạo việc làm tại địa phương để giải quyết vấn đề này.

Quan tâm tới chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức tại xã đảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng: Cần rà soát, bổ sung thêm các văn bản pháp luật vào báo cáo để đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý với các xã đảo trên cả nước. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, pháp luật chưa có quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ cho người dân, cán bộ ở các xã đảo, đồng thời đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết, cụ thể về chính đầu tư, chế độ bảo hiểm y tế… các chính sách cụ thể khác đối với người dân, cán bộ, công chức, viên chức tại xã đảo, để giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân ở các vùng này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn