Tại phiên làm việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao trong thời gian qua. Để đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về thuế.
Căn cứ các nguyên tắc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường, sau khi tính toán trên cơ sở khả năng cân đối Ngân sách Nhà nước, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn như sau:
Xăng giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít.
Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít.
Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg.
Dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
Nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để đảm bảo tính kịp thời của chính sách, Chính phủ đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 01/01/2023 thực hiện theo quy định hiện hành tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của UBTVQH.
Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến cơ bản thống nhất việc xem xét, điều chỉnh giảm thuế đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong điều kiện hiện nay để kịp thời góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu khan hiếm; góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, Tờ trình của Chính phủ chưa báo cáo rõ căn cứ tính toán mức độ giảm thuế đối với từng mặt hàng, theo các kịch bản điều hành tương ứng với mức độ biến động của giá dầu thô trên thế giới. Do đó, đề nghị Chính phủ giải trình rõ các căn cứ để xác định và đề xuất mức giảm đều 50% đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu, trừ dầu hỏa và bổ sung số liệu so sánh giá xăng dầu với các nước trong khu vực để tránh buôn lậu, chuyển xăng dầu ra bên ngoài.
Ông Nguyễn Phú Cường cũng đề nghị trong công tác điều hành đối với xăng dầu, Chính phủ cân nhắc khả năng điều hành giảm thuế nhập khẩu của mặt hàng xăng như một biện pháp bổ sung để can thiệp trong trường hợp giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục có biến động.
Về lâu dài, ngoài việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng tiền, Chính phủ cần nghiên cứu khả năng bổ sung công cụ cho Quỹ bằng hiện vật (xăng dầu) để đa dạng hóa các công cụ có thể sử dụng tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.
Theo Bộ Tài chính, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng), thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng (GTGT) (không thu phí, lệ phí đối với xăng dầu).
So với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung.
Thảo luận tại phiên họp, khẳng định việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu theo đề xuất của Chính phủ là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề xuất: Về dài hạn cần nghiên cứu sử dụng các công cụ thuế như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ, các Bộ trong thời gian tới cần quan tâm đến việc điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu một cách linh hoạt, công khai, minh bạch; xem xét cơ cấu giá cơ sở giá xăng dầu, giảm tiêu hao…
Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết xăng dầu là mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá, bên cạnh việc bám sát giá thế giới nhưng cũng cần có sự điều hành của Nhà nước nhằm bảo đảm đa mục tiêu như chỉ số CPI, tăng trưởng, việc làm, đời sống Nhân dân.
Việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường lần này là giải pháp tình thế, dự kiến áp dụng từ ngày 01/4/2022 đến hết năm. Theo Chủ tịch Quốc hội, từ giờ đến cuối năm dự báo tình hình còn nhiều biến động khó lường, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp liên tục điều chỉnh chính sách liên tục thì khó có thể bảo đảm kịp thời. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thảo luận thêm để có giải pháp bảo đảm linh hoạt trong điều hành.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn