Mặc dù số trẻ bị đuối nước giảm những năm gần đây nhưng đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ tại các tỉnh, thành. Tỉnh Gia Lai là một trong những địa phương có số lượng trẻ em tử vong do đuối nước cao.
Số liệu thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh này cho thấy, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 55 vụ đuối nước, khiến 69 trẻ tử vong (tăng 15% so với năm trước). Tính riêng 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã ghi nhận 8 vụ đuối nước khiến 12 trẻ em tử vong.
Tại Quảng Bình, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ đuối nước, lấy đi sinh mạng của 17 trẻ em. Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Ninh, tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ đuối nước, làm 14 trẻ tử vong.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đuối nước ở trẻ là do nhận thức của gia đình và cộng đồng về phòng tránh tai nạn đuối nước chưa cao; thiếu sự quan tâm, giám sát của người lớn với trẻ;
trong khi trẻ em thường hiếu động, nhiều em chưa biết bơi, thể lực yếu, không có kỹ năng bảo đảm an toàn khi bơi. Mặt khác, môi trường xung quanh trẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, hệ thống sông, ngòi, ao, hồ chằng chịt, thiếu biển cảnh báo.
Việc phổ cập bơi cho học sinh được xem là giải pháp quan trọng để phòng đuối nước ở trẻ em. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị bộ, ngành, chính quyền tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, trong đó có việc phổ cập bơi. Tuy nhiên, cho đến nay, mục tiêu phổ cập bơi cho trẻ em vẫn còn nhiều trở ngại.
Với đường bờ biển dài, nhiều sông lớn chảy qua địa phận cùng hệ thống kênh, mương, ao, hồ, đầm đan xen nên Nam Định là một trong những tỉnh có nhiều nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn đuối nước. Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã xảy ra hơn 20 vụ đuối nước, làm chết 27 người, trong đó có 13 trẻ em.
Để giảm tai nạn đuối nước, những năm qua, tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát động phong trào dạy và học, tập luyện môn bơi trong trường học và khu dân cư.
Bà Mai Thị Hiên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Thắng (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), cho biết, hè năm 2022, nhà trường đã phối hợp tổ chức các lớp phổ cập bơi, dạy bơi cho học sinh trong trường bằng bể bơi thông minh. Thời điểm trên, hoạt động nhận được sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh và các em học sinh.
Tuy nhiên, càng những năm về sau, số lượng học sinh theo học càng ít. Đến hè 2024, nhà trường đã không tổ chức hoạt động này nữa.
Việc phổ cập bơi tại một thành phố lớn như Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn. Hiệu trưởng 1 trường tiểu học trên địa bàn huyện Hoài Đức chia sẻ rằng, sau khi được trang bị hồ bơi, nhà trường đã tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con đi học bơi ngoài giờ chính khóa và hợp đồng với một giáo viên đạt chuẩn về dạy bơi.
Tuy nhiên, do số học sinh tham gia học bơi ít nên không đủ kinh phí để trả tiền công cho giáo viên. Ngoài ra, việc dạy bơi bằng hồ bơi di động cũng phát sinh kinh phí để vận hành. "Lượng nước để bơm đầy hồ bơi rất lớn nhưng chỉ có thể sử dụng khoảng 3 ngày là phải xả nước để thay. Bên cạnh đó, giáo viên, bảo vệ trong trường cũng không có kỹ năng để sử dụng, vận hành hồ bơi", vị này chia sẻ.
Tại một số trường học trên địa bàn quận Cầu Giấy như trường THCS Mai Dịch, trường Tiểu học An Hòa… dù đã xây dựng bể bơi nhưng bể chưa được hoàn thiện, nghiệm thu để đi vào sử dụng.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT , hiện nay, số học sinh phổ thông trong các trường trên toàn quốc là gần 18 triệu em, chiếm gần 1/5 dân số Việt Nam. Số liệu của Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra rằng, đến hết năm 2022, tổng số bể bơi trong trường học là 2.184 bể/25.307 trường, chiếm tỷ lệ chưa đến 9% trường học có bể bơi.
Vẫn còn nhiều địa phương có quá ít số bể bơi trong trường học, nhiều bể đã bị xuống cấp, chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo, không có kinh phí, không có nhân viên đủ năng lực vận hành bể bơi.
Ở nhiều nơi, nhu cầu đầu tư xây dựng hồ bơi trong trường học là rất lớn nhưng nguồn kinh phí đầu tư rất hạn chế, cơ chế kêu gọi xã hội hóa đầu tư bể bơi trong trường học chưa rõ ràng, một số trường không đủ diện tích đất để làm bể bơi.
Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT), cho rằng có 3 nguyên nhân chính khiến việc phổ cập bơi cho trẻ không đạt hiệu quả. Thứ nhất là về vấn đề kinh phí và cơ sở vật chất.
Theo ông Huy, trường có điều kiện về kinh phí thì không có mặt bằng; trường có mặt bằng nhưng lại không đủ kinh phí. Nguyên nhân thứ hai là về nhân lực, đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất còn thiếu, đặc biệt ở cấp tiểu học.
Bên cạnh đó, một lượng lớn đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất chưa được đào tạo, cấp chứng chỉ dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh. Thứ ba là sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành về dạy bơi cho học sinh còn hạn chế.
Để nâng cao chất lượng phổ cập bơi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất cho rằng, các trường, cơ sở giáo dục phải mở đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức cho học sinh, những quy định về an toàn phòng, chống đuối nước, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước đến từng lớp, từng trường trước khi các em bước vào kỳ nghỉ hè.
Bên cạnh đó, các trường, cơ sở giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào dạy bơi và kỹ năng an toàn cho học sinh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn