Sáng 2/11, thảo luận tại tổ 14 về dự án Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, đề nghị ban soạn thảo xem xét lại tính hợp lý của quy định tại Điều 44 về "Hợp đồng bán hàng tận cửa", trong đó nêu: "Hoạt động bán hàng tận cửa phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản và cung cấp cho người tiêu dùng một bản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác".
Theo đại biểu, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng mua hàng online trên các sàn giao dịch điện tử rất nhiều vì rất thuận tiện trong khi đó dự thảo luật lại quay trở lại bắt người tiêu dùng làm hợp đồng, điều này là không phù hợp với tình hình thực tế.
Còn tại tổ 3, thảo luận về dự thảo luật này, đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, cho rằng dự thảo đã quy định khá chi tiết các nội dung có liên quan đến các hoạt động như: Giao dịch từ xa; Cung cấp dịch vụ liên tục; Bán hàng trực tiếp bao gồm các hình thức bán hàng tận cửa (thể hiện qua nội dung các Điều 43, 44), bán hàng đa cấp (thể hiện qua nội dung các Điều 45,46) và hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên (Điều 47) nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay các hành vi gian dối, lừa đảo thông qua các hình thức bán hàng trên đang diễn ra khá phổ biến, với mức độ ngày càng tỉnh vi, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm người tiêu dùng yếu thế và dễ bị tổn thương. Đặc biệt là các hình thức Bán hàng tận cửa, Bán hàng đa cấp, Bán hàng qua mạng (online) hiện nay đang phát triển với quy mô lớn; chủ yếu là các mặt hàng có trị giá cao, như: Hàng thời trang, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm, hàng gia dụng...
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận, điều kiện hiện nay còn nhiều người tiêu dùng chưa thành thạo về công nghệ số để thực hiện giao dịch điện tử trong mua bán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; cộng thêm những hạn chế, bất cập của các Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các hoạt động này. Phần lớn những người kinh doanh dưới hình thức này không đăng ký kinh doanh, không giấy phép kinh doanh, không khai báo doanh thu, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế...
Theo đại biểu, ngoài hệ lụy phát sinh các hành vi gian dối, lường gạt, lừa đảo mà nạn nhân thường thuộc về nhóm người tiêu dùng yếu thế, dễ bị tổn thương, các hình thức bán hàng nói trên đã tạo sự bất bình đẳng đối với các hình thức bán hàng truyền thống, dễ dẫn đến nguy cơ là nơi tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng gian, hàng giả trên thị trường và gây thất thu cho ngân sách nhà nước tương đối lớn.
Theo đó, đại biểu này đề xuất dự án Luật cần có nội dung tăng cường chức năng quản lý Nhà nước đối với các hình thức kinh doanh nêu; có biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi gian dối, lường gạt, lừa đảo trong các nội dung giao dịch đặc thù, để làm cơ sở pháp lý giúp Chính phủ xây dựng các quy định cụ thể về vấn đề này.
Đồng quan điểm, đại biểu Siu Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, cho rằng hình thức đưa sản phẩm hàng hoá, mua bán trên mạng xã hội ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, có rất nhiều loại hàng hóa như thuốc tây, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoặc hàng tiêu dùng bị ngâm tẩm hóa chất... được rao bán trên mạng xã hội lại chưa được kiểm soát, đánh giá về chất lượng.
Do đó, theo đại biểu, "thay vì đẩy nghĩa vụ đánh giá chất lượng và chịu trách nhiệm với lựa chọn hàng hóa cho người tiêu dùng thì pháp luật cần có một cơ chế quản lý tốt hơn sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường, lên mạng xã hội".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn