Ông Vũ Đức Thắng nhấn mạnh, công tác giải quyết việc làm cho người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn.
"Từ năm 2012, chúng tôi phải tiếp cận các doanh nghiệp để tuyển dụng người khuyết tật. Chúng tôi thuyết phục họ rằng người khuyết tật không phải bỏ đi, họ rất có năng lực làm việc. Với vai trò là trung tâm giới thiệu việc làm, chúng tôi phải giới thiệu người khuyết tật có thể đáp ứng được công việc mà doanh nghiệp đòi hỏi. Chúng tôi đã thuyết phục được các doanh nghiệp làm thủ công mỹ nghệ, chạm khắc gỗ, doanh nghiệp có vốn nước ngoài… tuyển dụng người lao động là người khuyết tật. Hiện tại, đã có mạng lưới, có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến cơ hội việc làm cho người khuyết tật", ông Thắng cho hay.
Kết nối việc làm cho người lao động với doanh nghiệp theo nguyên tắc bình đẳng, ông Vũ Đức Thắng nhấn mạnh: Doanh nghiệp nhận lao động vì công việc họ có thể làm chứ không phải vì mục đích nhân đạo.
Theo ông Vũ Đức Thắng, trước đây công việc của người khuyết tật chỉ là làm tăm tre, chổi đót, nhưng hiện nay công việc cho người khuyết tật rất phong phú như thiết kế đồ họa, công nghệ thông tin, bán vé máy bay... Nhu cầu tuyển dụng lao động là người khuyết tật hiện nay đã có thay đổi đáng kể. Người khuyết tật có thể tiếp cận tất cả mọi việc làm trong thị trường lao động. Chính vì vậy, người khuyết tật hãy nhìn vào năng lực của mình chứ đừng nhìn vào cái tật mình có.
Rào cản mà người khuyết tật không đi làm, theo ông Vũ Đức Thắng, không chỉ xuất phát từ kỹ năng nghề, mà còn ở kỹ năng thay đổi môi trường. Việc thay đổi từ môi trường ở nhà đến việc tham gia môi trường doanh nghiệp cũng là khó khăn rất lớn với người khuyết tật. Bên cạnh đó, kỹ năng sử dụng phương tiện di chuyển, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân… cũng là những rào cản đáng kể khiến người khuyết tật khó tìm được việc làm.
Là doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, ông Nguyễn Đình Phượng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ NYP - cho biết: Người khuyết tật rất có năng lực làm việc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Họ chính là những nhân sự làm phần mềm smartcard cho công ty - mô hình kinh doanh giảm thiểu tác nhân với môi trường với 3 không: không rác thải, không tiền mặt, không hàng hóa.
"Để sử dụng lao động là người khuyết tật, chúng tôi phải vượt qua nhiều rào cản. Bởi là doanh nghiệp, chúng tôi phải tính đến doanh thu. Người khuyết tật để theo được các lao động khác là rất khó. Chúng tôi còn gặp khó khăn với các bạn ấy ngay trong quá trình phỏng vấn. Chúng tôi không biết được ngôn ngữ của các bạn. Giao công việc, giao tiếp với các bạn, chúng tôi đều phải sử dụng tin nhắn.
Bên cạnh đó, dung hòa mối quan hệ với đồng nghiệp cũng là khó khăn không nhỏ của lao động là người khuyết tật. Và người lãnh đạo công ty cần làm điều đó. Thu nhập cao nhất của lao động là người khuyết tật trong công ty chúng tôi dành cho vị trí IT, với thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, các bạn khuyết tật cần mạnh dạn, cởi mở, tự tin ứng tuyển để nhận cơ hội việc làm cho mình. Các doanh nghiệp cũng cần cởi mở trong việc tuyển dụng lao động để người khuyết tật, để người khuyết tật có cơ hội việc làm. Chỉ cần giao đúng việc với năng lực của họ, họ sẽ làm rất tốt", ông Nguyễn Đình Phượng chia sẻ.
Bản thân là người khuyết tật nên anh Trần Thành Trung (Công ty TNHH TDT digital) rất hiểu những rào cản về việc làm với người khuyết tật. "Tỉ lệ người khuyết tật được đi học, có trình độ chuyên môn, có đóng góp cho xã hội không nhiều. Trong khi đó, phần lớn người khuyết tật có nhận thức không cao. Cũng do, người khuyết tật ở nhà được mọi người chú ý hơn, được xã hội quan tâm hơn, bản thân họ lại không nỗ lực nhiều. Đây là vấn đề mà các cơ sở đào tạo cần quan tâm về việc thay đổi tư duy của người khuyết tật. Bản thân người khuyết tật cần nỗ lực hơn nữa, cần chủ động tiếp nhận sự hỗ trợ đào tạo, cơ hội việc làm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cởi mở hơn trong việc tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Tôi mong sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong 3 vấn đề: Đào tạo, tư vấn việc làm, việc làm cho người khuyết tật". anh Trần Thành Trung chia sẻ.
Nhằm tăng cường năng lực nghề nghiệp cho thanh niên khuyết tật để mở rộng cơ hội việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam, tổ chức Angels' Haven Việt Nam đã thực hiện Dự án "Thí điểm phục hồi chức năng thông qua đào tạo nghề cho thanh niên khuyết tật tại Hà Nội". Bà Park Yeonjae- Quản lý dự án của Angels' Haven- cho biết: Dự án nhằm xây dựng chương trình dạy nghề cho thanh niên khuyết tật, nâng cao nhận thức về khuyết tật và thành lập mạng lưới hỗ trợ hòa nhập xã hội cho thanh niên khuyết tật, cung cấp các khóa đào tạo nghề cho thanh niên khuyết tật (làm bánh và pha chế; thiết kế đồ họa và dán nhãn dữ liệu), vận động chính sách về dạy nghề và việc làm cho thanh niên khuyết tật.
"Với việc chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội việc làm cho người khuyết tật để người khuyết tật có cơ hội sống dễ dàng hơn, chất lượng hơn, có cơ hội được tham gia đào tạo nghề nghiệp đa dạng hơn. Ngoài 2 dự án là nghề làm bánh và IT, chúng ta cần suy nghĩ về việc tạo ra nhiều ngành nghề cho người khuyết tật. Thay vì chỉ có một số nghề nhất định, các em khuyết tật có thể lựa chọn cho mình những nghề mà mình yêu thích. Việc đào tạo nghề cho các em khuyết tật không chỉ giúp các em có thể đi làm, mà còn giúp các em mở rộng mối quan hệ xã hôi. Các em có thể tự tin là thành viên của xã hội. Nhờ có việc làm, các em có thu nhập, có thể sống theo cách mình muốn. Đó là điều kiện quan trọng đảm bảo nhân quyền cho các em", bà Park Yeonjae cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn