Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 8/6, Quốc hội tiến hành chất vấn với nhóm nội dung thuộc lĩnh vực của Ngân hàng Nhà nước. Quan tâm tới nguồn tín dụng vi mô, vốn vay cho đối tượng yếu thế, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, cho biết: Sau đại dịch COVID-19, nhiều người dân, đặc biệt là nhóm lao động tự do, công nhân, hộ gia đình nghèo có nhu cầu vay vốn rất lớn. Trong khi đó các tổ chức tài chính vi mô thì lại thiếu vốn trầm trọng.
Từ thực trạng trên, đại biểu này đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm rõ các giải pháp và chính sách để giải quyết hai vấn đề trên.
Trả lời đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay có 4 quỹ tài chính vi mô, có phòng giao dịch ở trên 24 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên các quỹ tài chính vi mô hiện khó khăn, khó huy động được nguồn lực để cho vay. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp để đánh giá, rà soát để trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung xây dựng các văn bản sửa đổi.
Điều hành nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc phát triển tổ chức tài chính vi mô là một trong những nội dung rất quan trọng của chiến lược tài chính toàn diện. Qua đó, hỗ trợ rất nhiều việc tiếp cận vốn của các đối tượng, nhất là những người yếu thế và là một giải pháp phòng chống tín dụng đen rất hiệu quả.
Do vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức tài chính vi mô phát triển, không gây khó khăn, không phân biệt đối xử. Đồng thời đề nghị ngành Ngân hàng Nhà nước rà soát lại Thông tư 03.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Quốc hội cũng đã đồng ý đưa vào dự án Luật phần bảo hiểm vi mô, rất quan trọng. Còn thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, các nhà điều hành đều nói là không siết. Nhưng thực tế đầu năm nay, mấy tháng nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã hồi trở lại, nhất là những nhà đầu tư có tiềm lực, muốn huy động vốn để đảo nợ hoặc là tiếp tục đầu tư mới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn