Tại Hội Báo toàn quốc đang diễn ra ở TPHCM, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Toàn quốc 2024, sáng 16/3 đã diễn ra phiên thảo luận về "Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích".
Nỗi niềm của phóng viên điều tra
Thời đại công nghệ, ngoài những thông tin siêu nhanh, siêu chính xác thì cơ quan báo chí sẽ đọng lại gì trong lòng bạn đọc? Có lẽ không thể loại nào qua được những sản phẩm báo chí điều tra. Các tác phẩm điều tra góp phần tạo nên các tên tuổi cho tác giả, cho tờ báo bởi sức nặng thông tin, sự tin cậy, mức độ đa dạng, phong phú, khác biệt nhiều cảm xúc.
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong, nhận định: "Thể loại điều tra được ví như "hòn đá tảng" có sức nặng đối với các loại hình báo chí nói chung: Truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử,… và riêng trong từng số báo/cơ quan báo chí".
Còn nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo Dân việt, cho rằng: Phóng sự điều tra là thể loại đặc biệt, được coi là trọng pháo của báo chí nhưng cũng tốn kém nhất và gây hiệu ứng lớn nhất.
Thế nhưng, để có được những bài viết, những loạt bài phóng sự điều tra đến với bạn đọc là cả một hành trình đầy gai góc, nhiều nỗi niềm, nhiều đấu tranh mà nhà báo phải đối mặt.
Chia sẻ tại chương trình, nhà báo Hồ Trí, Phóng viên Đài truyền hình Việt Nam, kể lại câu chuyện đằng sau một phóng sự phản ảnh về việc phá rừng. Bên cạnh những hiệu ứng tích cực thì bản thân anh cũng nhận về rất nhiều nỗi buồn trong câu chuyện làm nghề. Sau vài tháng phóng sự điều tra về phá rừng được phát sóng thì nhiều trang mạng xã hội, nhiều dư luận công kích cho rằng VTV dàn dựng cảnh phá rừng. Điều đó khiến người đang bảo vệ công lý như anh cảm thấy ngột ngạt, buồn vì những đơm đặt. Và rồi, sự thật luôn là sự thật, anh không cần phải minh oan, những phóng sự của anh đã rất có ích trong việc bảo vệ rừng cũng như tố cáo các quan tham trong lĩnh vực này.
"Khi chúng ta làm đúng thì chúng ta dựa vào cái đúng đó để bảo vệ mình. Ai nói mình làm sai thì người đó phải tự đi tìm chứng cứ chứng minh? Còn một khi chúng ta làm đúng rồi thì không việc gì phải đi chứng minh. Giữa lúc nhiều thông tin đơm đặt như vậy thì sếp tôi đã gọi điện động viên, tin tưởng chúng tôi. Chỉ một câu nói như vậy đã kéo tinh thần của tôi lên rất nhiều. Vì tôi tin rằng, đằng sau mình có các lãnh đạo, có cơ quan, cả một tập thể cho mình dựa vào… Thay vì chúng ta đang khổ sở cho công lý, chúng ta đôi khi gặp công kích nhưng điều tôi mong muốn là những người làm báo như chúng ta hãy cùng nắm tay nhau để tiếp tục hành trình làm điều có ích cho xã hội", nhà báo Hồ Trí cho hay.
Tương tự, nhà báo Võ Mạnh Hùng, Báo điện tử VietnamPlus, khẳng định: "Làm tác phẩm báo chí điều tra khó khăn nhưng cũng rất đầy vinh quang, làm điều tra có rất nhiều mối nguy hiểm, đó là nỗi sợ hãi, dễ bị phản bội, thiệt thòi chúng tôi không sợ nhưng lại sợ cô đơn. Trong quá trình điều tra, tôi đã gặp không ít những tình huống nguy hiểm khi đi tác nghiệp một mình. Bị các đối tượng, các doanh nghiệp tìm mọi cách để đe dọa, để can thiệp. Trong trường hợp này, nếu không có sự ủng hộ từ đồng nghiệp, từ tòa soạn thì sẽ khó hoàn thành những tuyến bài chất lượng. Tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ tiếp tục theo đuổi và đam mê hơn trong hành trình nhiều khó khăn nhưng cũng đầy vinh quang này".
Giữ vững hành trình làm điều có ích
Chia sẻ tại phiên thảo luận, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định, để làm điều có ích, nhà báo điều tra là cần có 3 phẩm chất: Bản lĩnh, tri thức và trình độ tác nghiệp. Ngoài ra, họ phải khẳng định mình làm việc có ích cho xã hội, cho nhân dân. Do vậy, điều kiện là cần dấn thân và đi tới cùng vụ việc.
"Người làm điều tra cần xác định rõ việc mình làm có vì lợi ích nhóm hay không, có phải để nổi danh hơn hay không? Quan trọng và cao cả hơn, mỗi người cần khẳng định mình đang chống tiêu cực, hướng tới mục tiêu có ích cho xã hội, cho nhân dân và dấn thân để đi tới cùng", nhà báo Hồng Vinh đưa ra lời khuyên.
Nhà báo Nguyễn Xuân Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh, cho rằng: "Điều cốt lõi của nhà báo điều tra là sự dấn thân và truyền cảm hứng. Chủ đề hành trình làm điều có ích hôm nay cũng là hành trình của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Tôi rất thông cảm và ngưỡng mộ, đồng cảm với những khó khăn, gian khổ, cô đơn của các nhà báo là điều tra trải qua. Thể loại báo chí điều tra luôn có những thách thức lớn. Nhưng cuối cùng, phóng sự điều tra đều chung một lý tưởng, khát vọng hướng đến những điều có ích cho xã hội. Các nhà báo cùng nhau lan truyền sự tử tế, không bị đồng hóa giữa thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ".
Theo nhà báo Phùng Công Sưởng, làm phóng sự điều tra khó, khổ và cô đơn, nhiều khi phải nằm bờ nằm bụi. Đây còn là thể loại chứa đựng nhiều rủi ro và dễ bị "phản công" nhất bởi đối tượng bị bài báo đề cập thường là các tổ chức, cá nhân có "quyền, có tiền, có quan hệ đa dạng". Họ sẵn sàng "sống chết" với nhà báo…Những rào cản tâm lý đó không phải nhà báo nào cũng dễ vượt qua và tiếp tục với nghề điều tra.
Để báo chí điều tra phát triển, nhà báo Phùng Công Sưởng cho rằng cần tiếp tục có chương trình, giáo trình, có đội ngũ nhân sự để đào tạo các phóng viên điều tra ngay từ khi các em còn học đại học; các cơ quan báo chí nên có phòng/ban/nhóm làm về điều tra; có chính sách thu nhập phù hợp cho phóng viên làm điều tra; cần nghiên cứu cơ chế, chính sách; đưa ra các kiến nghị để coi người làm báo chí điều tra là những người "thi hành công vụ", giúp các nhà báo vững tin lao vào các điểm nóng điểm khó trở thành một mũi nhọn trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn