Một trong những tác dụng phụ của việc tiêm vaccine phòng bệnh sởi là sốt. Tác dụng phụ này thường gặp ở trẻ nhỏ và gây ra nhiều lo lắng cũng như băn khoăn đến các bậc phụ huynh. Vậy trẻ bị sốt sau khi tiêm vaccine sởi cần được chăm sóc thế nào?
Dưới đây là những thông tin cần thiết có thể khiến cha mẹ an tâm hơn khi cho trẻ đi tiêm phòng:
Thông thường sau khi tiêm vaccine phòng bệnh sởi đơn hay mũi kết hợp sởi - quai bị - rubella, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, trẻ có thể bị đau nhẹ và nhạy cảm ở vùng tiêm. Phản ứng thường gặp nhất là sốt nhẹ cũng có thể xuất hiện trong khoảng 7 đến 12 ngày và kéo dài từ 1 đến 2 ngày sau đó.
>> kết hợp sởi - quai bị - rubella tốt hơn" data-rel="follow">Tiêm vaccine sởi đơn hay vaccine kết hợp sởi - quai bị - rubella tốt hơn?
Ngoài ra, phát ban cũng có thể xảy ra với tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 2% các trường hợp trẻ được tiêm chủng. Chúng cũng kéo dài trong khoảng 2 ngày và xuất hiện sau khoảng 10 ngày kể từ khi tiêm. Trong vòng 24 tiếng sau tiêm. Do tác dụng phụ từ vaccine phòng sởi là rất thấp và không đáng kể nên trường hợp sốc phản vệ, dị ứng sau tiêm là rất hiếm.
Khi trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi về mà xuất hiện triệu chứng sốt có thể làm các bậc phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên các chuyên gia y tế đã khẳng định rằng trường hợp này là hoàn toàn bình thường. Sốt nhẹ sau khi tiêm vaccine phòng bệnh sởi nói riêng và các loại vaccine nói chung là phản ứng hết sức bình thường của cơ thể.
Sốt sau khi tiêm chủng là biểu hiện của hệ miễn dịch đang đáp ứng với vaccine. Hầu hết những phản ứng này sẽ hết trong vòng từ 1 đến 2 ngày mà không cần đến điều trị y tế.
Thông thường đối với những trường hợp trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng vaccine sởi, các bậc phu huynh nên chăm sóc bé như sau:
- Thay quần áo rộng rãi, thoáng mát cho trẻ để không làm tăng thân nhiệt.
- Tăng cường cho trẻ uống nước hoặc bú sữa nhiều hơn thường ngày.
- Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra có một số trường hợp trẻ bị sốt sau tiêm nhưng không do vaccine. Trường hợp này có thể do ủ bệnh từ trước khi tiêm rồi phát bệnh. Do đó nếu trẻ có những dấu hiệu sau, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra:
- Trẻ sốt cao, trên 38,5 độ C và không đáp ứng với thuốc hạ sốt
- Các cơn sốt kéo dài trên 48 giờ. Hoặc có thể trẻ bị sốt kéo dài từ 1 đến 2 ngày, hạ sốt sau đó lại tiếp tục sốt lại.
- Bên cạnh sốt, trẻ còn gặp các triệu chứng kèm theo như ho, hắt hơi, chảy nước mũi, ỉa chảy, phát ban...
- Trẻ bỏ ăn, thở nhanh, khó thở, tím tái. Đặc biệt trẻ hay kích thích, quấy khóc liên tục, li bì, hôn mê.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm phòng bệnh sởi, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau đây:
- Lựa chọn các cơ sở y tế dự phòng uy tín, đảm bảo chất lượng.
- Các bậc phụ huynh cần chủ động thông báo với nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe của bé. Đặc biệt nếu như trẻ đang mắc bệnh, đang điều trị, có dị tật bẩm sinh, dị ứng thuốc.
- Lưu ý đặc biệt với những trẻ có tiền sử phản ứng mạnh với các lần tiêm chủng trước đó như sốt cao, phát ban, sưng nề vùng tiêm…
Từ những lưu ý trên, các nhân viên y tế, cán bộ tiêm chủng sẽ có chỉ định phù hợp để tránh những phản ứng, tác dụng phụ không mong muốn xảy ra.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn