Ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tiêu chí chọn trường học cho con của những gia đình khó bố trí người đưa đón trẻ không phải là chất lượng hay danh tiếng mà chỉ là nhà trường có ô tô đưa đón học sinh học sinh hay không.
Vợ chồng chị Nguyễn Thùy Vân (35 tuổi, trú tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đều làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân. Hằng ngày, vợ chồng chị phải đi làm từ 7 giờ để kịp thời gian chấm công, trong khi 2 đứa con nhỏ vào học lúc 8 giờ. Vì không thể đảm bảo thời gian đưa đón các con đi học nên vợ chồng chị Vân lựa chọn phương án dịch vụ đưa đón học sinh của nhà trường. "Thật ra, nếu lựa chọn phương án gom xe, ghép xe thì chi phí hằng tháng sẽ giảm đáng kể nhưng sau khi suy tính, vợ chồng tôi nhận thấy việc đưa đón các con đến lớp bằng xe ô tô của nhà trường sẽ đảm bảo an toàn cho con hơn", chị Vân chia sẻ.
Hiện nay, các trường tham gia công tác tổ chức tuyến xe đưa đón học sinh phổ biến ở các trường tư thục và trường có yếu tố quốc tế, còn lại có rất ít trường công lập triển khai dịch vụ này. Có 2 mô hình được các trường lựa chọn, đó là thành lập đội xe riêng của trường hoặc ký hợp đồng dịch vụ đưa đón học sinh với các đơn vị vận tải bên ngoài. Không thể phủ nhận, dịch vụ xe đưa đón học sinh đã mang lại sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe đưa đón học sinh đã xảy ra.
Đơn cử, vào năm 2019, một học sinh 6 tuổi (Trường Gateway, ở Cầu Giấy, Hà Nội) đã tử vong vì bị bỏ quên trên ô tô đưa đón suốt 9 tiếng đồng hồ. Cùng năm, tại tỉnh Đồng Nai xảy ra vụ việc xe ô tô chở 16 học sinh lớp 1 từ trường về nhà giáo viên chủ nhiệm bị bung cửa, khiến 3 em rơi xuống đường. Năm 2021, xe chở học sinh ở huyện Sông Mã (Sơn La) đang đi trên đường thì cửa bật tung khiến 3 em ngã ra đường, 1 em tử nạn. Tháng 2/2023, tài xế xe buýt chuyên đưa đón học sinh ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) lùi xe khi học sinh chưa xuống hết đã khiến một học sinh lớp 3 tử vong.
Ngay sau khi xảy ra những vụ việc đáng tiếc kể trên, các ngành chức năng đã nhanh chóng vào cuộc và chấn chỉnh. Nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường quan tâm đến công tác này đã được ban hành từ cấp Trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thu Hằng (Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình), hệ thống pháp luật hiện nay chưa có quy định nào đối với dịch vụ xe đưa đón học sinh. Bà Hằng cho rằng, cần có quy chuẩn rõ ràng đối với đội ngũ lái xe đưa đón học sinh. Quy chuẩn này phải được đưa ra một cách đầy đủ, được thực hiện nghiêm ngặt bởi đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em.
Những thông tin gom xe, ghép xe thường xuyên được đăng tải ở nhiều hội, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh những thông tin về dòng xe, tiện nghi trên xe, các chủ xe cũng chủ động đăng tải thêm thông tin về lịch trình di chuyển (chiều đi, chiều về) để những phụ huynh có nhu cầu tiện lựa chọn. Nếu sử dụng dịch vụ xe của trường, công tác quản lý xe sẽ được nhà trường thực hiện chặt chẽ theo quy định đã kí kết giữa hai bên. Còn với dịch vụ gom xe, ghép xe, vì là tự phát, tự kết nối cung - cầu nên việc gom xe, ghép xe là thỏa thuận đơn giản giữa lái xe (hoặc chủ xe) và phụ huynh. Thông tin trao đổi giữa hai bên chỉ gồm: Giờ đón - trả; điểm đón - trả và số tiền phí dịch vụ trong một tháng. Ngoài ra, không có bất cứ yêu cầu, ràng buộc, thỏa thuận nào được kí kết. Theo một cán bộ Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội), chính việc không kiểm soát được lái xe có thể dẫn đến nhiều rủi ro như: Lái xe có thể sử dụng chất kích thích, cướp của và tấn công tình dục khách hàng...
"Do được người thân giới thiệu nên bên cạnh thông tin về lịch trình, giá cả thỏa thuận miệng giữa hai bên thì gia đình tôi cũng không có bất cứ hợp đồng dịch vụ nào. Những thông tin về chất lượng xe, nhân thân tài xế… vợ chồng tôi cũng không tìm hiểu, phần vì không có chuyên môn, phần vì tin tưởng vào người giới thiệu", anh Nguyễn Trung Dương (38 tuổi, trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Thông thường, những phụ huynh lựa chọn phương án gom xe, ghép xe sẽ ưu tiên nhóm cùng khu dân cư và học cùng trường. Xe chở học sinh là xe 4 chỗ hoặc 7 chỗ để tối ưu thời gian, quãng đường di chuyển. Tuy nhiên, do nhu cầu ghép xe ngày càng cao, cùng với việc muốn giảm chi phí, không ít nhà xe đã đưa xe 16 chỗ, 29 chỗ vào khai thác dịch vụ đưa đón học sinh và tự kết nối với phụ huynh để ghép tuyến. Với nhiều nhóm, việc gom xe được hoàn tất nhanh chóng nhưng cũng có phụ huynh rơi vào tình trạng không tìm được nhóm để ghép, không tìm thấy tuyến xe phù hợp hay đã có nhóm nhưng chưa có lái xe đủ tin cậy để gửi gắm. Ngoài yếu tố người lái xe thì bạn ghép xe cũng có vai trò quan trọng để việc gom xe được lâu dài, ổn định. Có trường hợp học sinh vừa đi được vài tháng đã thay đổi phương án di chuyển, dẫn đến việc ghép xe bị xáo trộn.
Theo tiết lộ của một tài xế chạy xe gom, xe ghép đưa đón học sinh thì điều kiện hoạt động của loại hình này hiện khá dễ dàng, chỉ cần một chiếc xe, không phải kê khai đăng ký, không nộp thuế, không phải trả trích đóng doanh thu... Và vì hoạt động dễ dàng như vậy nên loại dịch vụ này ngày càng nhiều. Thực tế, có nhiều người từng lái taxi, xe khách đường dài, thậm chí đang làm công nhân cũng chuyển sang lái thuê cho các ông chủ xe hoặc tự sắm xe làm dịch vụ.
Theo thống kê của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 110 trường học sử dụng xe đưa đón học sinh với số lượng 1.519 phương tiện do 186 đơn vị vận tải ký hợp đồng phục vụ.
* Còn nữa
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn