Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (sau đây gọi tắt là Dự thảo) quy định ngoại quan của xe chở học sinh phải được thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe.
Mặt trước và cạnh 2 bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe buýt trường học. Mặt sau xe phải có biển báo hiệu dừng đỗ, biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt xe đưa đón đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh.
Xe phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu bên trong và hệ thống camera giám sát bên trong để giám sát hành vi của lái xe, giám hộ và học sinh trên xe, camera bên ngoài để giám sát tình trạng phía ngoài cửa lên xuống trước khi đón, trả học sinh. Các thiết bị phải trang bị hệ thống ghi nhớ và xử lý thông tin lái xe.
Đồng thời, xe đưa đón cần có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe hoặc người quản lý để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe, thời gian không quá 15 phút. Đặc biệt, xe đưa đón cần được kiểm tra thường xuyên, không có các chỗ lồi, lõm, cạnh góc sắc nhọn, có nguy cơ gây thương tích cho học sinh…
Trước thông tin của Dự thảo, nhiều phụ huynh học sinh đã bày tỏ ý kiến đồng tình. Chị Dương Thị Hường (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, sau khi theo dõi nhiều vụ việc thương tâm liên quan đến xe đưa đón học sinh, chị ủng hộ những quy định đưa ra nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc phương án đưa xe chở học sinh trở thành một loại phương tiện được ưu tiên trong một số trường hợp khi tham gia giao thông như: Tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.
Lưu ý đến vấn đề tốc độ, anh Nguyễn Xuân Hoàng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, do xe đưa đón học sinh chủ yếu di chuyển trong khu vực nội thành, đông dân cư nên tốc độ tối đa cần giảm xuống để tránh tình trạng lái xe phóng nhanh, vượt ẩu.
Đối với nhà trường, anh Hoàng mong muốn cần cẩn thận trong khâu lựa chọn người điều khiển xe, đối tác thực hiện dịch vụ đưa, đón học sinh. Bên cạnh đó, thời gian kiểm định của các phương tiện này cần được rút ngắn hơn so với các loại phương tiện khác.
TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết, bản thân ủng hộ những đề xuất của cơ quan soạn thảo trong Dự thảo. Ở góc độ một người phụ huynh, ông Minh mong muốn loại hình xe đưa đón học sinh được quản lý chặt chẽ và bài bản.
Dẫn chứng tại nhiều quốc gia, dịch vụ vận chuyển học sinh là loại hình có tiêu chuẩn khắt khe, kể cả về mặt phương tiện, quy trình vận chuyển lẫn yêu cầu về mặt lý lịch, nghiệp vụ của những cá nhân làm việc trong loại dịch vụ này. Nếu cơ quan chức năng phát hiện sai phạm thì mức phạt với tổ chức là rất lớn và các cá nhân có liên quan cũng bị phạt, thậm chí có thể bị cấm hành nghề vĩnh viễn.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải lại cho rằng, việc thay đổi hàng loạt yêu cầu như trong Dự thảo đưa ra sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Cường, đại diện một đơn vị cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh, cho biết, với 30 đầu xe phục vụ đưa đón học sinh như hiện tại của doanh nghiệp, nếu Dự thảo được thông qua đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải mất chi phí sơn lại toàn bộ xe, chi phí cải tạo, lắp đặt thiết bị trên xe, chi phí và thời gian để làm thủ tục thay đổi thiết kế xe, chưa kể nhiều vấn đề phát sinh khác.
"Việc kinh doanh dịch vụ đưa đón học sinh mang tính thời điểm, không liên tục. Vào dịp nghỉ hè hay nghỉ trong tuần, học sinh không đi học thì chúng tôi hoàn toàn có thể sử dụng xe để làm dịch vụ khác. Tuy nhiên, khi bị khoác lên mình cái vỏ xe chở học sinh thì rất khó để sử dụng xe vào mục đích khác.
Trong khi đó, chi phí đưa đón học sinh không thể bù lại những khoản đầu tư mà chúng tôi bỏ ra. Thực tế, hiện nay chưa có nơi đâu sản xuất xe chuyên dụng chở học sinh nên bắt buộc khi mua xe về, chúng tôi phải hoán cải, thay đổi thiết kế", anh Cường chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn