Phát biểu góp ý tại hội trường về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) ngày 26/5, liên quan đến nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp là điều hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, cần điều chỉnh quy định thời gian đối với nhóm đối tượng người tiêu dùng bị ảnh hưởng là phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ từ 12 tháng lên 36 tháng tuổi cho phù hợp, thống nhất với Luật Trẻ em và các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến bảo vệ bà mẹ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị, để thực hiện quy định về lồng ghép bình đẳng giới trong dự thảo luật như quy định về nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới được quy định tại Luật Bình đẳng giới. Đại biểu Thanh Cầm đề nghị bổ sung quy định không phân biệt đối xử về giới vào khoản 5 Điều 6 để đảm bảo trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì sẽ không tạo ra bất kỳ sự phân biệt đối xử về giới hoặc giữ nguyên khoản 6 Điều 6 trong dự thảo luật do Chính phủ đã trình Quốc hội.
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là người tiêu dùng có thông tin đầy đủ, chính xác về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa.
Theo ông Tám, trong điều kiện hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò to lớn và quan trọng trong quảng bá thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, có những hành vi đã và đang sử dụng phương tiện này để quảng bá không đúng, không đầy đủ hoặc sai lệch, tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Thậm chí còn lập cả trang web giả để giả mạo thương hiệu sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. "Kẻ gian còn lập cả trang website giả mạo bác sĩ có tên tuổi để đánh lừa người dân khám bệnh và điều trị, mua sản phẩm", ông Tám nêu.
Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, giữa những bủa vây thông tin giả, người tiêu dùng khó phân biệt được. Nhiều người "tiền mất tật mang" vì những thông tin sai lệch.
Do đó, ông Tám đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Công Thương, các bộ ngành có thông tin liên quan, nhất là Bộ Thông tin & Truyền thông trong việc ngăn chặn, loại trừ các thông tin sai lệch, mạo danh trên các phương tiện truyền thông, xã hội bằng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre thì nhấn mạnh, cần nâng cao hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có đề cập việc tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức và ý thức tiêu dùng cho người tiêu dùng, nữ đại biểu này đề nghị cân nhắc thay đổi hoạt động từ đào tạo sang tập huấn, bồi dưỡng người tiêu dùng để phù hợp hơn với đối tượng là người tiêu dùng.
Về quy định các điều kiện để tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quyền tự khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Yến Nhi cho rằng nên bỏ điều kiện "có thời gian hoạt động tối thiểu hoạt động là 1 năm".
Về tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, nhằm động viên các tổ chức xã hội tích cực trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì trong trường hợp không xác định được đối tượng người thiệt hại, số tiền bồi thường này nên được giao cho tổ chức xã hội đã khởi kiện để phục vụ cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn