Luật Thủ đô được Quốc Hội thông qua ngày 21/11/2012, có hiệu lực thi hành ngày 15/7/2013, là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Luật đã có nhiều kết quả phấn khởi, vị thế của Thủ đô được khẳng định trong nước và khu vực; tạo động lực phát triển, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, hỗ trợ các địa phương trong vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.
Tuy nhiên, qua hơn 9 năm qua, việc thi hành Luật Thủ đô, còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực: (i) Xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ, bảo tồn và phát triển văn hóa và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị; (ii) Quản lý, sử dụng đất, nhất là đất sử dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, văn hóa, tôn giáo, công trình công cộng phục vụ cộng đồng, dân cư; (iii) Cơ chế tài chính, chính sách liên kết vùng, nhất là các chính sách về thu chi ngân sách để thúc đẩy đầu tư phát triển; (iv) Quản lý dân cư, bảo vệ Thủ đô bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; (v) Chính sách an sinh xã hội, phát triển giáo dục, KHCN, bảo vệ môi trường…
Tại hội nghị, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Thành phố Hà Nội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là rất cần thiết. Hội LHPN Hà Nội tham vấn ý kiến góp ý của các chuyên gia, tổ chức, cá nhân về những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, những vấn đề Chính phủ yêu cầu tập trung nghiên cứu đóng góp ý kiến, cụ thể về các quy định liên quan đến:
(1) Tổ chức chính quyền tại Thủ đô: Về mô hình tổ chức, chế độ công vụ, biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội…
(2) Xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô: Về quy hoạch Thủ đô; phát triển văn hoá; giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, phát triển nông nghiệp, nông thôn...
(3) Chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô.
(4) Liên kết, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển Vùng Thủ đô.
(5) Những nội dung cán bộ, hội viên, phụ nữ quan tâm, về lồng ghép giới trong Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tại hội thảo, các đại biểu đã sôi nổi đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó tập trung vào các vấn đề như phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô; xây dựng quỹ nhà ở xã hội; Tăng số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND cấp Quận đảm bảo mỗi địa phương (cấp phường) có 1 đại biểu sinh sống tại địa phương…
"Chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng của các vị đại biểu. Các ý kiến sẽ được Hội tiếp thu, tổng hợp cùng với các ý kiến của các tầng lớp phụ nữ vào công văn góp ý gửi Ủy ban nhân dân Thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và Trung ương Hội LHPN Việt Nam" – bà Lê Kim Anh cho hay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn