Như Báo PNVN đã đưa, ngày 25/7, tại tỉnh Yên Bái, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Đảng Đoàn Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội thảo chuyên đề "Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù" khu vực miền Bắc.
Hội thảo có 2 phiên thảo luận: Phiên 1 về "Tình hình thực hiện công tác phụ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù" và Phiên 2 về "Công tác cán bộ nữ và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ".
Báo cáo tổng quan thực trạng đội ngũ cán bộ nữ trong khu vực miền Bắc tại phiên thảo luận thứ 2, bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Nhìn chung, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, cán bộ nữ được trẻ hóa, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu; ở khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số trong tổng số cán bộ nữ khá cao.
Bình quân toàn quốc (bao gồm các tỉnh, thành và các đảng bộ trực thuộc Trung ương), tỷ lệ nữ cấp ủy 3 cấp nhiệm kỳ này đều tăng so với nhiệm kỳ trước và đạt chỉ tiêu 15% trở lên; Đối với 25 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc: Cấp tỉnh, tỷ lệ nữ cấp ủy trung bình của khu vực là 17% (cao hơn 1% so với tỷ lệ trung bình của 63 tỉnh, thành)…
Về cơ cấu, chất lượng nữ cấp ủy viên, xét chung trong toàn quốc, càng xuống cấp dưới thì nữ ủy viên càng có xu hướng trẻ hóa, cụ thể: Tỷ lệ nữ cấp ủy viên dưới 40 tuổi ở cấp cơ sở cao nhất trong 3 cấp địa phương (chiếm 36,6% trong tổng số cấp ủy viên dưới 40 tuổi và chiếm 57,9% trong tổng số nữ cấp ủy viên); tỷ lệ này ở cấp huyện lần lượt là 34,2% và 27,7%; cấp tỉnh là 28,8% và 12,2%.
Trình độ nữ cấp ủy viên các cấp đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước với 100% nữ cấp ủy viên cấp tỉnh có trình độ chuyên môn đại học trở lên và có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân…
Theo Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh, mặc dù so trong toàn quốc, tỷ lệ nữ cấp ủy viên, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp của khu vực miền Bắc nhìn chung cao hơn khu vực miền Trung, miền Nam và đã đạt, vượt chỉ tiêu 15% song còn gần 1/3 số tỉnh chưa đạt chỉ tiêu nữ cấp ủy viên cấp tỉnh; một số tỉnh còn đến gần 80% số xã không có nữ trong ban thường vụ.
Còn gần ½ số tỉnh chưa đạt chỉ tiêu về nữ đại biểu Quốc hội và vẫn còn địa phương không có đại biểu nữ trong Quốc hội; gần ½ số tỉnh chưa đạt chỉ tiêu về nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và hơn một nửa số tỉnh chưa đạt chỉ tiêu về nữ đại biểu HĐND cấp xã. Nữ lãnh đạo khối chính quyền trong khu vực nhìn chung còn thấp, chủ yếu ở vị trí cấp phó…
Theo đó, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng nêu một số vấn đề đặt ra, cụ thể như: Đặc thù của khu vực miền Bắc là khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí nhiều nơi còn hạn chế, đời sống còn khó khăn, định kiến xã hội còn khá nặng nề ở nhiều nơi, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên.
Bên cạnh đó, nhiều địa bàn có vị trí địa lý hiểm trở, giao thông không thuận lợi, đa dạng về dân tộc (không thuận lợi về ngôn ngữ khi giao tiếp), kinh tế khó khăn nên việc tác động thay đổi nhận thức, hành vi để đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới cũng gặp nhiều trở ngại, thách thức hơn so với các khu vực khác.
Vấn đề đặt ra là cần giải pháp, sáng kiến để thúc đẩy đảm bảo các chỉ tiêu về cán bộ nữ đã đề ra; Cùng với đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ trẻ, cán bộ nữ người DTTS, cán bộ Hội để đạt được các chỉ tiêu về cán bộ nữ trong thời gian tới.
Đặc biệt, thực tế hiện nay đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác tham mưu của các cấp Hội LHPN, cần có tầm nhìn, chiến lược, xác định được nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong từng giai đoạn, kịp thời chuẩn bị nguồn cán bộ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Theo đó, các cấp Hội cần có những giải pháp đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tham mưu về công tác cán bộ nữ; Đổi mới về cách thức triển khai các hoạt động hỗ trợ nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý cũng như phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ trong thời gian tới…
Thảo luận các vấn đề đặt ra, đại biểu từ các tỉnh, thành như Tuyên Quang, Nam Định, Phú Thọ, Thái Nguyên… cùng chia sẻ những điểm đặc thù về chất lượng, số lượng cán bộ nữ tại địa phương; đồng thời chỉ rõ những khó khăn, hạn chế như: Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, cấp huyện, tham gia HĐND cấp xã có nhiệm kỳ chưa đạt so với mục tiêu; công tác luân chuyển, điều động cán bộ nữ còn gặp nhiều khó khăn; việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý từ đội ngũ cán bộ nữ có nơi chưa được quan tâm đúng mức… để tìm giải pháp căn cơ cùng tháo gỡ những vướng mắc hiện nay.
Kết luận Hội thảo, Ủy viên TƯ Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương khẳng định: Ban Tổ chức Hội thảo đánh giá cao kết quả sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 21 và 15 năm thực hiện Nghị quyết 11, các địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện bằng những việc làm cụ thể. Công tác phụ nữ đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, vai trò, vị thế của phụ nữ ngày càng được khẳng định, đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đất nước. Tuy nhiên, cũng còn địa phương tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy và lãnh đạo chủ chốt còn thấp và còn khoảng cách khá xa so với các chỉ tiêu đề ra; nhất là lãnh đạo chính quyền cấp huyện và cấp cơ sở, nhiều địa phương, nhất là ở cấp cơ sở không có nữ trong ban thường vụ cấp ủy….
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Quang Dương đề nghị: Cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới; Thường trực tỉnh/thành ủy phải thực sự quyết tâm chính trị cao, có cam kết mạnh mẽ, có các giải pháp khả thi đảm bảo đạt được chỉ tiêu về cán bộ nữ theo tinh thần các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng.
Quan tâm kiện toàn, bổ sung cấp ủy kịp thời theo đúng quy định, đặc biệt ở những địa bàn chưa đạt chỉ tiêu cán bộ nữ cấp ủy và chưa có nữ trong Ban Thường vụ; Chú trọng bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là các vị trí chủ chốt còn khuyết.
Lãnh đạo cấp ủy các địa phương cần chú trọng xây dựng chiến lược tạo nguồn cán bộ nữ và triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo tỷ lệ nữ trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với bố trí sử dụng; Quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ nữ được luân chuyển để rèn luyện, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm qua thực tiễn…
Đối với Hội LHPN Việt Nam các cấp, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị: Tiếp tục chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội; thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, trong đó có công tác cán bộ nữ.
Thường xuyên, sâu sát trong việc nắm bắt tình hình đội ngũ cán bộ nữ; tích cực, chủ động phát hiện, giới thiệu phụ nữ ưu tú, tạo nguồn cán bộ nữ, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý và ứng cử vào cơ quan dân cử các cấp…
Chủ động tham mưu cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và xây dựng nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.
Chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ nữ tiềm năng; nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về vai trò, đóng góp của đội ngũ cán bộ nữ trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương, đất nước; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội.
Thúc đẩy sự kết nối và hiệu quả hoạt động của mạng lưới lãnh đạo nữ ở Trung ương và tỉnh, thành; phát huy vai trò tiên phong, truyền cảm hứng của đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn