Cách đây không lâu, dư luận xôn xao trước câu chuyện đau lòng về hai chị em ruột Lò Thị H. (11 tuổi), Lò Thị L. (7 tuổi), bản Lịch Cang, xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) phải tự chăm sóc, nuôi nhau. Sau mỗi chiều tan học, hai chị em lại lên rừng kiếm củi, hái rau và trở về nhà lúc xẩm tối. Lủi thủi nhóm bếp nấu cơm, rồi tự ăn, tự ngủ và sáng hôm sau cũng tự dậy đi học. Cứ như vậy, hai chị em chăm sóc, bảo vệ nhau theo bản năng sinh tồn…
Ông Quàng Văn Dương, Trưởng bản Lịch Cang kể: "Hoàn cảnh 2 chị em H., L. khổ lắm. Lúc bố còn sống cũng chẳng mấy khi được ăn no. Trong nhà có gì bố nó cũng đem bán để lấy tiền mua ma túy. Ðến khi chết rồi còn gieo rắc bệnh tật cho vợ con. Giờ hai cháu mồ côi, làng bản ai cũng thương, lúc cho quả trứng, khi thì mớ rau".
Bố nghiện ma túy và chết vì căn bệnh HIV/AIDS khi Linh chưa đầy 1 tuổi. Năm 2014, mẹ cháu cũng qua đời vì lây bệnh từ bố. L. cũng bị nhiễm HIV từ khi còn trong bụng mẹ. Chị gái L. là Lò Thị H. bất đắc dĩ trở thành trụ cột trong gia đình. Tài sản mà cha mẹ để lại cho 2 chị em là ngôi nhà nhỏ, được che chắn bằng phên nứa. Ngồi trong nhà mà gió thổi ba bề bốn bên, ngửa mặt là thấy ánh mặt trời. Buổi tối đi ngủ, chị em H., L. thường đốt củi để chống lại cái lạnh bủa vây.
Bà ngoại của hai cháu năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhà ở cạnh đó, bà bảo: "Thương cháu lắm, nhưng cũng chẳng giúp được gì nhiều. Cậu của L. đông con, ngoài thời gian lên nương bà ngoại cũng mải trông các em cho cậu. Thương các cháu, bà bảo hai chị em sang nhà bà ngủ cho đỡ lạnh, nhưng các cháu muốn tự lập, ngủ ở nhà để có cảm giác hơi ấm của mẹ". Nói rồi, đôi mắt mờ đục của bà ngấn lệ, hai hàng nước mắt cứ thế lăn dài trên gò má nhăn nheo.
Cũng giống như hoàn cảnh của chị em L., bố của Lò Thị P., bản Ít Nọi, xã Nặm Lịch nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS nên cũng đã qua đời. Mẹ P. bị lây bệnh từ bố và P. cũng mắc bệnh từ khi còn trong bụng mẹ. Dù đã 10 tuổi nhưng nhìn P. rất nhỏ dại. So với ngôi nhà của chị em H., L., nhà của Lò Thị P. có phần khá hơn.
Tuổi thơ của P. rất buồn tủi, P. chia sẻ, bố em nghiện ma túy nên thường đi vắng. Hôm nào bố ở nhà thì thường kiếm cớ đánh chửi em và mẹ, do không có tiền hút chích. Một lần P. với mẹ đang ngủ thì bố về nhà, kề dao vào cổ mẹ em đòi tiền mua ma túy. Ðể bảo toàn tính mạng, mẹ giả vờ đi lấy tiền cất ở gác bếp rồi cõng em chạy miết vào rừng, đến mấy ngày sau mới dám về nhà. Bây giờ bố không còn nữa, cuộc sống hai mẹ con cũng bình yên hơn, không còn ám ảnh lo sợ bởi những trận đòn từ bố. Hàng ngày, em và mẹ điều trị thuốc ARV theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe.
Khi biết đến những hoàn cảnh của các em bé ở trên, bất kỳ ai cũng không khỏi xót thương và đau lòng. Mỗi đứa trẻ trong những gia đình có người thân nghiện ma túy luôn có những nỗi niềm, mơ ước khác nhau, nhưng chúng đều có chung một điểm là bất hạnh và hầu như không có tuổi thơ. Quãng thời gian đen tối ấy sẽ là vết hằn sâu trong tiềm thức mỗi đứa trẻ, đến mãi sau này có lẽ cũng chẳng thể nào xóa nhòa được.
Trong cuộc sống hiện tại, có lẽ vẫn còn rất nhiều những em nhỏ có hoàn cảnh giống như trên. Bố mẹ "dính" vào ma túy, buộc bản thân các em phải tự sinh, tự diệt. Nếu không nỗ lực cố gắng thì bản thân các em sẽ chẳng thể nào vượt qua nghịch cảnh và tương lai của các em cũng chẳng ai có thể nói trước được.
Những năm qua, công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được các địa phương đặc biệt quan tâm, các em được các tổ chức chính trị, xã hội giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, dù bất cứ sự trợ giúp nào cũng không thể bằng sự sát sao, quan tâm chăm sóc con cái của chính những bậc sinh thành. Môi trường giáo dưỡng từ mỗi gia đình là nền tảng để mỗi trẻ em hình thành được nhân cách tốt nhất.
Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo và học tập. Các bậc phụ huynh cũng phải là điểm tựa vững chắc, là thành trì kiên cố bảo vệ con trẻ trước những cạm bẫy ngoài xã hội. Muốn vậy, bản thân cha mẹ phải có hiểu biết đầy đủ và chính xác về những vấn đề liên quan đến ma túy; đồng thời có những kỹ năng cơ bản trong việc hỗ trợ con em mình phòng, chống ma túy.
Đặc biệt, cha mẹ cũng cần phải có những kiến thức và kỹ năng đầy đủ, chính xác về ma túy. Bởi nếu không có sự hiểu biết, cha mẹ sẽ không thể truyền đạt lại cho con; nếu cha mẹ hiểu không đúng khi truyền đạt cho con sẽ khiến con hiểu sai và có nhận thức sai lệch về ma túy, điều này là vô cùng nguy hiểm.
Trên thực thế, có nhiều kênh thông tin tài liệu giúp các bậc phụ huynh tìm kiếm những vấn đề liên quan đến ma túy như: internet, báo chí, truyền hình, các cuộc thi, các buổi tập huấn, nói chuyện về ma túy…Tuy nhiên, có nhiều lúc, việc thu nhận kiến thức ma túy trên các kênh thông tin này rất khó khăn vì lượng thông tin quá lớn, nhiều thông tin không phải nguồn tin chính thống, mang tính chất truyền miệng và chưa được kiểm chứng.
Với mong muốn nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy cho cộng đồng, trong đó có các bậc phụ huynh, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy đã phát triển, biên soạn và cho ra mắt Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy". Bộ tài liệu gồm 4 cuốn và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định. Mỗi cuốn sách chính là công cụ hỗ trợ đắc lực, là hành trang quý báu cho các bậc cha mẹ trên hành trình cùng con trưởng thành.
Trong 4 cuốn tài liệu này, cuốn "Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh" đóng vai trò như một cuốn cẩm nang về phòng chống ma túy dành cho các bậc phụ huynh, cung cấp thông tin cơ bản nhất về ma túy; hướng dẫn cha mẹ kỹ năng giúp con em mình thoát khỏi những nguy cơ liên quan đến ma túy (vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy).
Ngoài ra, phần cuối cuốn sách cũng cung cấp cho cha mẹ thông tin hữu ích về pháp luật, những quy định cụ thể về hành vi liên quan đến ma túy. Trong đó, các điều luật chỉ rõ các mức độ xử lý cụ thể nếu như người vi phạm là học sinh trung học. Từ đó, cha mẹ sẽ có cái nhìn bao quát, hiểu biết hơn để hỗ trợ con/em mình phòng, chống ma túy hiệu quả.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn